Cư Kỉnh
Cách một tháng sau.
Ông Huyện Hàm Tân tiếp được thơ của con trai lớn, là Thơ toán Thanh, cho hay rằng đã mướn được phố mà dọn chỗ ở yên rồi và mời cha mẹ lên chơi ở với mình ít bữa. Lúc ấy ông Huyện đã thâu góp lúa ruộng đem về lẫm xong rồi hết, nên ông thong thả không bận việc gì. Đã vậy mà mấy bữa rày em Ngọ nhức răng ăn ngủ không được, làm cho ông khó chịu,muốn đem nó đi Sài Gòn đặng kiếm đốc-tơ trị bịnh cho nó.
Tiếp được thơ của Thơ toán Thanh, hai ông bà mới bàn tính để cô Túy với cô Huyên ở nhà coi nhà, còn hai ông bà dắt em Ngọ lên Sài Gòn đặng trước kiếm thầy trị bịnh cho con gái nhỏ, sau coi bề con trai lớn ăn ở thế nào. Tính như vậy mà chưa định ngày đi, kế cô Huyên tiếp được thơ của mẹ cho hay rằng mẹ đau nhiều, cô lo sợ nên xin với chú thím cho phép cô về Sa Đéc mà thăm mẹ ít ngày.
Ông Huyện lấy làm bối rối, không lẽ không cho cô Huyên về Sa Đéc ; mà nếu cho cô đi thì có ai ở nhà coi nhà với cô Túy đặng vợ chồng ông đi Sài Gòn.
Hai ông bà tính tới tính lui rồi ông nhứt định cho cô Huyên về Sa Đéc liền, còn đi Sài Gòn thì bà Huyện với cô Túy dắt em Ngọ đi, để ông ở nhà coi nhà. Bà Huyện không chịu như vậy, bà muốn ông đi với bà đặng coi nhà cửa của con trai thiếu vật gì thì mua sắm cho con.Còn cô Túy thì cô không muốn đi Sài Gòn, cô khuyên cha mẹ đi, cô hứa ở nhà coi nhà một mình được vì trong nhà có gia dịch đông nên cô không sợ trộm đạo.
Nghe vợ con nói như vậy, ông Huyện bèn xuôi theo. Ông cho mời Hương quản Tại, người ở trong đất ông, lại nhà mà dặn coi chừng dùm nhà cửa cho ông, rồi cô Huyên đi Sa Đéc bữa trước, thì sang bữa sau ông dì Sài Gòn với bà và em Ngọ.
Cô Túy ở nhà một mình, tuy cô được quyền điều khiển gia dịch đến bốn năm người, song cô mất cái không khí thường hấp thụ thuở nay, vào ra quạnh hiu, không có cha mẹ, không có chị em mà nói chuyện, bởi vậy cô buồn xo, cứ nằm suy nghĩ vẫn vơ, suy nghĩ rồi lấy tiểu thuyết mà đọc.
Chiều bữa ấy, lúc mặt trời lặn xuống phía sau vườn, ngọn gió chướng thổi hiu hiu mát mẻ. Cô Túy đọc tiểu thuyết và suy nghĩ cả ngày, tâm hồn lờ đờ, tinh thần mờ mệt, cô bèn ra vườn hoa trước nhà đi qua đi lại xem hoa giải trí. Ngọn gió hắt hiu làm cho lòng cô thơ thới, hoa hường đua nở làm cho tình cảm của cô chứa chan. Thấy bụi hường gần cửa ngõ có trổ một đóa hoa thiệt lớn, cô bèn lần bước ra đó, rồi cô ngồi xuống tay nắm nhánh hường kề đóa hoa vào mũi mà hửi, mặt cô với đóa hoa chiếu nhau, mặt thì đẹp mà hoa cũng xinh.
Thình lình nghe có tiếng giầy đi ngoài đường, cô lật đật đứng dậy thì thấy Chí Cao vừa đi tới cửa ngõ rồi đứng lại cúi đầu chào cô và cười và nói :
- Tôi chào cô… Cô có cái vườn hoa đẹp đẽ quá, đã đẹp mà còn gây cảnh nên thi nữa. Bên nhà tôi không có cái cảnh như vầy, bởi vậy hổm nay hễ tôi viết tiểu thuyết mệt mỏi thì tôi đi qua đi lại ngoài trước đây, rồi tôi lén dòm vô vườn hoa của cô , đặng gây mối cảm tình cao thượng cho câu văn của tôi được hoàn toàn tao nhã. Xin cô nhơn cái lòng yêu mến tiểut huyết của tôi mà tha thứ cho tôi cái lỗi xem trộm ngôi vườn đầy những hoa tốt tươi, kiểng thanh lịch này.
Cô Túy gặp khách tình cờ thì bối rối, mà còn nghe mấy lời lãng mạn ấy nữa thì cô càng bối rối thêm, cô kiếm không ra câu nào mà đáp ,c hỉ ngó chừng vô phía trong nhà rồi chúm chím cười mà thôi. Chí Cao nói tiếp :
- Nhờ cái vườn hoa xinh đẹp nên thơ của cô đây mà tác phẩm tôi đương viết hổm nay có lẽ sẽ được đặc sắc hơn các tác phẩm trước. Tôi hứa hễ tác phẩm mới này mà xuất bản rồi, thì tôi dưng liền cho cô một quyển ra đầu hết, để tỏ lòng cảm tạ thạnh tình chiếu cố đến điệu văn của tôi.
Vì trí ngỗn ngang những cảm tưởng về tiểu thuyết Chí Cao, bởi vậy nghe nói tới chuyện đương viết tiểu thuyết, thì cô không thể làm lơ nữa được. Cô ngó vô phía trong nhà một lần nữa rồi lỏn lẻn hỏi khách :
- Ông đương viết tiểu thuyết gì đó ?
- Tôi đương viết một quyển diễm tình tiểu thuyết, để ký ức cái thời tôi dọn bút nghiêng về ở chốn thanh tịnh mà đẹp đẻ này.
- Quyển mới đó ông đề nhã thế nào ?
- « Một bầu phong nguyệt » .
- « Một bầu phong nguyệt »… Nhãn đề như vậy, đọc nghe có hơi du dương lãng mạn dữ !
- Phải lãng mạn mà lại mơ mộng, mơ mộng hơn quyển « Nhắn bạn Hằng Nga » thập bội.
- Tôi tưởng không thể hơn quyển « Nhắn bạn Hằng Nga » được.
- Cô thích quyển tiểu thuyết đó lắm hay sao ?
- Quyển đó tôi thích nhứt hết.
- Tôi không dè… Nếu vậy thì may lắm… Mà nếu cô thích quyển « Nhắn bạn Hằng Nga » thì bộ « Một bầu phong nguyệt này cô sẽ thích nhiều hơn nữa.
- Không chắc.
- Tôi chắc lắm.Cô muốn đọc trước hay không ?
- Ông nói ông đương viết mà ?
- Phải,tôi đương viết. Tôi viết mới được phân nữa , nhưng mà nội đoạn đầu cũng đủ làm cho cô phải công nhận quyển mới này thâm thúy hơn quyển « Nhắn bạn Hằng Nga ». Nếu cô không chịu tin, thì xin cô dời gót qua đó thơ phòng tôi rồi tôi đọc cho tôi nghe. Qua ban đêm thì tiện hơn. Đêm nào tôi cũng viết tới mười hai giờ rồi tôi mời đi nghỉ.
Cô Túy chúm chím cười, chớ không chịu đáp với lời của Chí Cao mời đó. Cô lơ lửng một chút rồi hỏi :
- Tại sao mà quyển tiểu thuyết ông mới viết đó ông lại đề nhãn là « Một bầu phong nguyệt » ?
- Nghe đọc rồi cô sẽ thấy ý nghĩa mấy chữ ấy,tôi không muốn diễn giải. Tôi chỉ nói quả quyết vắn tắt rằng nhãn đề ấy thích hợp với cảnh mà tôi đương mê say đây lắm.
Con Băng là đứa ở hằng ngày đưa rước em Ngọ đi học, nó ở trong nhà xăm xăm đi ra, tính mời cô Túy vô ăn cơm. Vừa thấy dạng nó, thì cô Túy lật đật cúi đầu chào Chí Cao rồi xây lưng đi trở vô. Chí Cao đứng ngó theo và hỏi vói :
-Vậy mà tôi được phép nuôi hy vọng sẽ có dịp tiếp rước cô tại thơ phòng của tôi hay không ?
Cô Túy day lại chúm chím cười, rồi cô đi thẳng vô nhà, chứ không chịu trả lời. Chí Cao thủng thẳng đi về, và đi và ngó ngoái lại vườn hoa đôi ba lần .
Vợ chồng ông Huyện Hàm Tân đi Sài Gòn tính ở chơi với con trai vài bữa mà thôi, té ra lên tới đó, đốc-tơ coi cái răng của em Ngọ, ổng nhổ hết hai cái răng hư , rồi biểu mỗi ngày phải trở lại cho ông trám và bịt, lại phải đi luôn luôn cho đủ tám bữa mới được . Đã vậy mà Thơ toán Thanh còn cứ theo năn nỉ xin cha mẹ ở lại chơi lâu lâu. Vì vậy nên vợ chồng ông Huyện phải ở trên Sài Gòn đến mười một bữa mới về được.
Khi ông bà về tới nhà thì thấy cô Túy nằm trong mùng, tóc tai bùi nhùi, mắt lim dim, mà lại đắp mền lên tới cổ.
Bà Huyện cưng con, thấy con như vậy thì lo sợ, lật đật giở mùng lên, đặt tay lên trán con và hỏi :
- Con đau sau đó con ?
Cô Túy lắc đầu và đáp nho nhỏ :
- Con nhức đầu chóng mặt chớ không có sao.
Bà Huyện thấy tráng con không nóng, mà lại có rịn mồ hôi thì bà bớt lo, song bà hỏi tiếp :
- Con đau mấy bữa rồi ?
- Mới đau đây .
- Con có biểu bày trẻ rước thấy coi mạch cho con không ?
- Không.
- Con dại quá ! Ở nhà đau mà không chịu rước thấy uống thuốc chớ. Để má cho mời ông lương y ngoài nhà thương vô coi mạch cho con nghe.
- Thôi,má. Con nhức đầu chóng mặt chút đỉnh không có sao đâu mà sô. Đừng rước thầy thất công.
Bà Huyện ra ngoài cho ông hay. Ông Huyện vô phòng thăm con, ông cũng tỏ ý muốn rước thầy thuốc mà mà cô Túy cũng không chịu, cứ xin cha mẹ đừng lo chạy thuốc rước thầy.
Bù Huyện đi xuống nhà sau, bà thấy con Bảng thì hỏi :
- Cô Hai về Sa Đéc chưa trở qua hay sao ?
- Thưa chưa.
- Còn cô ba đau từ hôm nào tới nay ?
- Thưa, mới đau từ chiều hôm kia.
- Nó có đi đâu bị nắng gió hay không ?
- Thưa, không. Từ bữa ông bà đi cho tới bữa nay, cô ba cứ nằm ở nhà hoài, chớ không có đi đâu hết. Mấy bữa đầu, cô ăn cơm rồi nằm coi sách, tối cô ngủ sớm, cô vui vẻ như thường. Cô mới bắt đầu đau từ chiều bữa hôm kia, cô nằm miết trong phòng, không ra ngoài chơi nữa.
- Từ hôm đau đến nay nó có ăn cơm ăn cháo gì hay không ?
- Thưa, chiều hôm kia cô ăn có một miếng cơm, rồi nói chóng mặt ăn không được . Tối lại con có khuấy một ly sữa cho cô uống. Trọn ngày hôm qua cô biểu nấu cháo cho cô ăn, chớ không có ăn cơm. Mà ăn cháo thì mỗi lần cô húp có một chén, chớ không ăn nhiều. Hồi sớm mai nầy cô uống sữa, rồi hồi trưa cô có ăn nửa chén cháo.
- Đau bịnh gì mà kỳ quá vậy không biết .
- Cô ba nói chóng mặt, nên ngồi không được, cứ nằm hoài.
- Ở nhà có khách nào tới hay không ?
- Thưa,không. Chắc họ hay ông bà đi khỏi nên không ai tới… Có ông Hương quản mỗi bữa đều có ghé hỏi thăm có việc chi hay không rồi ổng đi.
Đến chiều, người nhà dọn cơm cho ông Huyện bà Huyện và em Ngọ ăn. Bà Huyện vô phòng biểu cô Túy rán ra ăn cơm. Cô lắc đầu nói chóng mặt ăn không được, và xin biểu con Bảng khuấy cho cô một ly sữa mà thôi.
Hương quản Tại lại mừng ông Huyện bà Huyện, hỏi thăm bề ăn ở của Thơ toán Thanh và hỏi thăm em Ngọ coi hết nhức răng hay không. Hương quản thăm chơi một lát rồi đi, kế cô Huyên ở bên Sa Đéc về tới. Ông Huyện bà Huyện hỏi thăm chị dâu đau. Cô Huyên nói đã mạnh rồi, đi ra đi vô được như thường, ăn cơm cũng đã biết ngon.
Tối bữa ấy khí trời nóng nực, bà Huyện ra ngồi cái băng trong vườn hoa mà hứng mát. Bà kêu con Huyên ra ngồi với bà đặng bà hỏi thăm bề ăn ở của chị dâu ở bên Sa Đéc. Hai người đương nói chuyện , sốt nhiên nghe bên nhà Chí Cao có tiếng hai người cãi lộn, mà tiếng một người là tiếng đàn bà.
Lúc ấy con Bảng đương bưng nước trà đem ra cho bà Huyện uống. Bà bèn hỏi nó :
- Nghe nói ông Chí Cao không có vợ, mà sao nãy giờ lại nghe có tiếng đàn bà nói lớn ở bển ?
- Thưa bà, có một người đàn bà lạ mới lại ở đó ba bữa rày.Con nghe anh bồi nói người đàn bà ấy là vợ của ông đó, song con không biết có phải như vậy hay không. Mà mấy bữa rày con nghe hai người cứ rầy lộn với nhau hoài.
- Người ta về ở gần lộn xộn quá. Họ rầy la với nhau hoài, mình chịu sao được. Chớ chi hôm trước ông mày đấu giá mua miếng đất đó thì xong biết chừng nào.
Cô Huyên nói với Con Bảng không hiểu việc đó, nên không dám nói tiếng chi hết.
Trưa bữa sau, bà Huyện với cô Huyên đương ngồi trong phòng của cô Túy mà ép cô phải ráng ăn một chút cơm. Con Bảng vô chờ cô Túy ăn rồi đặng bưng mâm cơm ra. Thình lình nó nói với bà Huyện :
- Người đàn bà đó đã xách giỏ đi rồi.
Bà Huyện chưng hửng hỏi :
- Người đàn bà nào ?
- Người ở lại nhà ông gì bên này đây, hồi hôm bà nghe rầy lộn đó .
- A, đi hồi nào?
- Thưa,mới xách giỏ đi tức thì đây.
- Sao mầy biết?
- Thưa bà, hồi nãy con xuống mé sông con thấy đi rõ ràng.
- Đi đâu thì đi hết cho rảnh.
Nãy giờ cô Túy chăm chỉ nghe lời con Bảng nói. Cô ráng ăn hết chén cơm rồi biểu con Bảng bưng mâm ra và dặn nó múc một thau nước đem vô phòng cho cô rửa mặt. Cô lại cậy cô Huyên gỡ dùm tóc cho cô, rồi cô đi soi kiếng mà bới đầu tử tế. Bà Huyện thâý con bữa nay ăn cơm được, lại rửa mặt, gỡ đầu như thường, thì bà mừng thầm, chắc bịnh của con gần hết, nên không tính tới việc rước thầy thuốc nữa.
Buổi chiều cô Túy ra ngoài mà ăn cơm với cha mẹ, chớ không đòi ăn riêng ở trong phòng mà cũng không than nhức đầu chóng mặt nữa. Cử chỉ ấy càng làm cho ông Huyện bà Huyện an lòng thêm. Song ăn cơm rồi cô cũng trở về phòng, mà lại còn kêu cô Huyên với em Ngọ vô chơi với cô.
Trời tối lần lần. Trong nhà đã đốt đèn tạ đăng nhỏ mà để trên bàn. Cô Túy nằm trên giường, cô kêu em Ngọ biểu lên giường nằm một bên cô, rồi cô ôm nó mà hun. Cô Huyên ngồi lại bàn viết, thấy có quyển tiểu thuyết “Nhắn bạn Hằng Nga” để sẵn gần cái đèn,c ô bèn vói tay mà lấy rồi giở ra mà xem. Cô Túy ngó thấy, cô liền nói:
- Chị mở tủ cất dùm quyển tiểu thuyết đó một chút, chị Huyên.
- Để qua xem một chút rồi qua cất.
- Xem làm chi? Chị đã có đọc rồi mà?
- Qua thấy em cũng đã đọc đến mấy lần, mà sao em cũng còn lấy ra mà đọc lại hoài?
- Bây giờ em ghét lắm. Có lẽ em sẽ đốt hết những tiểu thuyết của em mua để dành trong tủ mấy năm nay đó.
- Sao vậy?
- Hổm nay em suy nghĩ mấy lời của ba em nói hôm nọ em mới hiểu mấy lời ấy thiệt là đúng đắn. Nên đọc sách luân lý chứ đừng đọc tiểu thuyết. Em nhứt định coi chừng mà cấm tuyệt em Ngọ, em quyết không chó nó rờ tới tiểu thuyết nào hết.
- Tiểu thuyết cũng có thứ dữ, mà cũng có thứ hay, có thứ không nên đọc, mà cũng có thứ cần phải đọc. Mình lựa thứ hay, thứ có ích, thứ duy trì luân lý mình đọc thì có hại chi đâu.
- Biết làm sao mà lựa... Bữa nay sao em buồn ngủ sớm. Thôi, chị dắt em Ngọ về phòng chị mà đi ngủ đi.
Cô Huyên với em Ngọ bước ra khỏi phòng thì cô Túy liền bỏ mùng xuống rồi tắt đèn.