Bỏ vợ
Thầy Bình mướn một căn nhà dọn ở riêng được mấy bữa rày. Thầy mới mua một cái giường để ngủ và một cái bàn với ít cái ghế chớ chưa sắm đồ đạc chi hết. Thầy mướn một đứa nhỏ để sai vặt, chớ chưa mướn người đi chợ để nấu ăn, nên mỗi ngày thầy vẫn còn ăn cơm nơi nhà thầy ký Huế làm trong Tòa bố.
Một buổi chiều chúa nhựt, trời chuyển mưa, dông gió ầm ầm mây kéo đen kịt, người đi ngoài đường sợ mắc mưa nên ai cũng bươn bả đi riết. Thầy Bình bước ra đứng tựa của ngóng trông, bỗng thấy có một cỗ xe ngựa ngừng, rồi Hương thân đáng leo xuống ngó dớn dác, dường như kiếm nhà. Vừa thấy thầy Bình thì Hương thân lộ sắc mừng, lật đật Đi vô cửa vừa xá vừa nói:
- Bẩm, tôi nghe anh Xã nói thầy đã dọn nhà rồi nên tôi xuống kiếm thăm coi thầy dọn ở chỗ nào. Thầy ở dãy phố nầy vui mà lại mát mẻ, coi được lắm.
Thầy Bình mời khách vô nhà. Hương thân đáng kéo một cái ghế để dựa vách mà ngồi, ngó cùng trong nhà mà nói :
- Thầy mới dọn nên chưa sắm đồ đạc kịp, để tôi đốc anh Xã mua một cái tủ mà đi lễ tân gia. Nếu mấy làng lớn, hương chức chung đậu nhau, mỗi làng mua một món đồ mà đi hạ(9) thì thầy có đủ dùng chớ gì.
Thầy Bình cười Đáp :
- Có lẽ nào Hương chức mấy làng đều tử tế như chú vậy đâu.
- Bẩm, mỗi người đậu chừng một vài đồng bạc cũng đủ rồi, chớ phải đậu một hai chục gì sao mà sợ tốn.
- Phải. Nhưng mà tôi mới xuống đây, chưa giúp ích cho ai được việc gì, nên đâu dám mong cậy người ta đền ơn.
- Làm nghĩa trước đặng chừng hữu sự người ta giúp mới cao, chớ đợi có việc đến cầu người ta giúp rồi mới đền ơn, thì có hay ho gì đâu. Thầy đứng thông ngôn cho quan lớn, bề nào hương chức cũng phải nhờ thầy;mấy vậy tương chức làm nghĩa với thầy có mất gì đâu mà sợ.
- Hôm nay chú nói chuyện với tôi, thì tôi thấy chú là người cao kiến lại biết điều quá. Tại sao trong làng chú lại lãnh chức Hương thân, không làm Xã Trưởng hoặc Hương quản đặng khá lương hơn một chút.
- Bẩm, làm Xã trưởng phải chịu tổn hao đủ thứ, còn làm Hương quản thì phải đi tuần cực nhọc. Đã vậy mà tôi không có hằng sản(10), nên Hội tề có dám cử tôi làm Xã đâu.
- Sao lại không dám?
- Họ sợ rủi tôi làm mất bạc thuế hoặc công nho(11) rồi họ phải thường.
- Có sao đâu mà sợ. Để chừng chú Xã nầy mãn khóa rồi tôi biểu hội tề cử chú lên làm xã. Người biết chuyện mà trong làng lại yểm tài như vậy sao được.
- Bẩm, cuối năm nay anh Xã Tồn mãn, nếu thầy thương, chừng làng cử thầy nói giúp với, thì có lẽ làm được.
- Tôi sẽ nói cho.
- Cảm ơn thầy. Hôm qua có trát đòi cựu Hương giáo Tính hầu về vụ mướn công điền. Tôi có dặn phải xuống đó trước với thầy, không biết y có xuống hay không?
-Có
-Bẩm, việc đó xong hay không?
- Xong.
- Bà Chủ Phận, là cô của anh Xã, nhà thầy quá chơi đêm hôm đó, bà cũng hay có chuyện làm bởi vì bà giàu lớn, thường mua đất mua điền, đóng thuế nầy thuế nọ, nên phải đi hầu hoài. Tôi có cắt nghĩa phải quấy cho bà nghe, tôi khuyên bà phải đến thăm thầy mà làm nghĩa, sau có việc gì thì thầy giúp cho. Bà có hứa với tôi để bữa nào bà xuống.
- Bà Chủ đó giàu lớn lắm hay sao?
- Bẩm, giàu lớn, mỗi năm thâu góp lối 30 ngàn giạ, trong làng tuy còn nhiều người khác có ruộng Đất nhiều hơn bà, nhưng mà người ta có Đông con, ăn xài nhiều, nên huê lợi mỗi năm phải hao hớt. Bà chủ có một người con gái mà thôi, lại phận góa bụa không ăn xài chi hết, bởi vậy mỗi năm thâu góp bao nhiêu thì còn nguyên. Tôi biết bây giờ trong nhà bà có bạc nhiều lắm.
- Hôm trước chú nói cô Hai là con gái của bà Chủ đó, cũng góa chồng nữa phải hôn?
- Bẩm, phải. Chồng của cô Hai Hương chết, mới mãn tang hôm tháng trước đây.
- Chồng của cô hồi trước là ai?
- Bẩm, con của một ông Chánh bái trong làng còn nhỏ nên chưa có làm chức chi hết. Người đó mồ côi. Nên có phần ăn của cha mẹ để lại gần một trăm mẩu điền. Bây giờ cô Hai Hương cũng góp ruộng mấy nuôi con. Giàu rồi họ còn giàu thêm.
- Cô Hai có máy đứa con?
- Bẩm, hai đứa, thằng Hoàng năm nay đã được bốn tuổi, còn con Loan, hồi chồng chết cô có chửa được ít tháng, nay nó được hai tuổi.
- Cô đó coi còn măng quá, mà có tới hai đứa con rồi hả? Năm nay cô được bao nhiêu tuổi?
- Bẩm, lối 25 hoặc 26 gì đó, tôi không nhớ chắc. Nhà giàu ăn rồi ở không, có con thì mướn vú nuôi nên sắc không phai được. Mãn tang rồi đây có lúc cô lẽ lấy chồng. Cha chả đàn ông nào rớt vô đó thì no lắm.
Thầy Bình ngồi lơ lửng mà suy nghĩ. Hương thân đặng hỏi:
- Hổm nay tôi quên hỏi coi thầy có vợ hay chưa mà sao xuống đây thầy có một mình. Bẩm thầy, dầu thầy chưa cưới vợ, nhưng có lẽ thầy cũng đã hứa hôn chỗ nào rồi chớ?
Thầy Bình chúm chím cười đáp :
- Tôi có vợ rồi mà cũng như chưa.
- Ô da, sao vậy? Vợ chồng ly dị hay sao?
- Lúc tôi ở Sài Gòn, làm việc ngoài, tôi làm bạn với một người, có sanh một đứa con, tuy kết vợ chồng song không có cưới hỏi, không có làm hôn thơ hôn thú chi hết. Chừng đẻ con, Chánh lục bộ nói không có hôn thú nên đứa nhỏ phải khai theo tên mẹ. Tại như vậy đó, nên tôi có vợ có con, mà cũng như không có chi hết.
- Bẩm, phải. Vợ không có hôn thú, con không có khai sanh thì có ăn thua vào đâu. Tuy vậy mà con là máu thịt của thầy, bề nào thầy cũng phải nhìn, chớ bỏ sao được. Chớ chi thầy chưa có vợ con, tôi làm mai cho thầy cưới cô Hai Hương thì đúng lắm.
- Cưới như vậy sao được. Cổ lớn tuổi hơn tôi, lại có tới 2 đứa con; nếu tôi cưới thì họ cười chết, họ nói tôi ham giàu.
- Bẩm, lớn hơn một hai tuổi có hại gì đâu. Còn cô Hai tuy có hai đứa con, mà cô còn nheo nhẻo, cô đẹp quá xứng với thầy hết sức.
- Cô đẹp thiệt, song cô giàu, nếu mình rớ vô thì họ nói mình ham tiền.
- Tiền mà không ham, chớ ham giống gì? Cô Hai Hương có tiền của, còn thầy có học thức, thầy có thua cô chỗ nào đâu.
- Việc gì chú luận nghe cũng xuôi hết thẩy. Chú nói như vậy chớ tôi chắc cô Hai Hương không dám lấy chồng đâu.
- Bẩm, tại sao mà không dám?
- Bây giờ cô ăn ruộng đất của chồng mà nuôi con. Nếu cô lấy chồng thì bà con bên chồng trước của cô họ kiện lấy ruộng đất ấy mà thủ hộ đặng để dành cho hai đứa con nhỏ, họ có cho cô ăn nữa đâu.
- Bẩm, nếu cô lấy chồng mà đừng thèm làm hôn thú, thì bà con bên chồng trước có nói được đâu. Mà số huê lợi đó lối năm, sáu ngàn giạ, chớ nhiều nỗi gì. Dầu cô trả lại bên chồng cũ, thì còn của bà Chủ đó chi. Của bà già cô còn nhiều bằng năm bằng bảy số đó nữa. Tôi biết hễ nhào vô đó thị bề nào cũng no. Nếu về ở bên Bình Thủy, rồi mua một cái xe cao su, mỗi buổi hầu Đi xuống CầnThơ làm việc cũng Được. Còn như muốn ở dưới nầy thì nói với bà Chủ mua cho một cái nhà thiệt tốt đặng ở coi cho xứng đáng cũng được. Nhà đó mà có một người rễ làm thông ngôn thì phải lắm vậy.
Thầy Bình cười, song không cãi lẽ nữa.
Hồi chiều trời chuyển dữ dội, nhưng mà nhờ gió thổi tan mây hết, nên rồi không mưa, Hương thân đáng từ mà về. Thầy Bình đi theo ra tới lộ, chừng xe của Hương thân chạy rồi, thầy mới đi lên đi xuống ngoài đường mà suy nghĩ. Bề thế của ông Bà Chánh trên Chí Hòa với bề thế của bà Chủ Phận ở Bình Thủy cứ vởn vơ trước mắt thầy hoài làm cho trí thầy chộn rộn không yên. Hình dáng chơn chất của cô Huyền với hình dáng sang trọng của cô Hương cứ chàng ràng trong óc thầy hoài, làm cho lòng thầy xao xuyến không định.
Thầy Bình chấp tay sau đít, cúi mặt xuống lộ thủng thẳng bước từng bước, không để ý Đến kẻ qua người lại.Thình lình thầy nghe sau lưng có tiếng kêu mà nói:
- Mình, mình, tôi kiếm tự hồi chiều đến bây giờ dữ quá!
Thầy day lại thì thấy cô Huyền tay xách hoa ly nhỏ đi gần tới, lại có con Tý bồng thằng Nghiệp đi theo. Thầy châu mày mà hỏi:
- Xuống tôi hồi nào? Tôi chưa gởi thơ biểu xuống mà lại đi bất tử như vậy?
- Hổm nay trông thơ dử quá mà không thấy chi hết, tôi nóng nảy chịu không được, nên tôi nói với cha mà đi đây. Mình có dọn nhà cửa mà ở hay chưa vậy.
- Mới mướn được một căn phố mà chưa có đồ đạc chi hết. Tôi tính để dọn nhà cho xong rồi tôi sẽ cho hay.
- Mướn căn nào đâu?
- Phố nầy đây.
Cô Huyền trao hoa ly cho con Tý, cô rước bồng thằng Nghiệp mà đưa vô mình thầy Bình và nói:
- Ba đây con.
Thầy Bình nói:
- Thôi đi vô nhà!
Thầy day lưng đi vô, mà không chịu bồng con. Cô Huyền không để ý đến cái cử chỉ lợt lạt ấy, mà cô lại cười, rồi đi theo chồng mà vô nhà. Cô để thằng Nghiệp trên bàn, tay vịn nó mà nói :
- Tàu lại tới hồi năm giờ chiều. Tôi hỏi thăm họ không biết. May nhờ có chú lính chỉ đường nên tôi đi nhầu(12) lên đường nầy, may gặp mình đó.
- Ai chỉ đường cho mình biết mà xuống đây?
- Tôi đi liều mà. Tôi đi xe lửa xuống Mỹ Tho, tôi hỏi thăm tàu đi Cần Thơ. Họ chỉ và tôi xuống tàu mà đi. Đi dể quá có khó chi dâu.
- Nhà có một cái giường với một cái bàn đồ, chưa có đồ đạc chi hết. Xuống bất tử như vậy rồi làm sao? Nồi dơ chén dĩa đâu có đặng nấu cơm mà ăn?
- Để sáng mai rồi tôi mua, mình đừng có lo. Đồ đó ngoài chợ họ bán thiếu gì. Đâu mình bồng con dùm một chút đặng tôi đi coi nhà thử coi.
Bây giờ thầy Bình mới chịu bồng con, thằng nhỏ nhìn cha rồi chẳng miệng cười hít hát dễ thương lắm.
Cô Huyền đi từ trước ra sau coi trong buồng, coi nhà bếp.Cô biểu con Tý:
-Đem hoa ly Để trên giường rồi cô trở ra mà nói.
- Căn phố rộng rãi mát mẻ quá. Mình mướn bao nhiêu một tháng vậy?
- Tám đồng.
- Nhiều tiền quá hả.
- Phố rẽ tiền cũng có, mà dở quá ở coi sao được. Đi rồi bỏ ông già ở nhà có một mình, tôi nghĩ tới đó tôi không vui chút nào hết.
- Tôi có nói với cha để tôi xuống coi công cuộc ra làm sao ít bữa rồi tôi về.
- Tôi muốn mình ở với cha, lâu lâu tôi xin phép về thăm thì phải hơn. Bỏ ông một mình ở nhà tội nghiệp quá.
- Cha nói tuy tôi đi thì cha buồn, song gái thì phải theo chồng, cha không nỡ cản.
- Phải, có lẽ nào ổng cản. Mà phần mình làm con, mình đừng làm cho ông buồn mới phải chớ.
Trời tối rồi. Thầy Bình quẹt lửa mà đốt đèn. Cô Huyền biểu con Tý bồng em ra rộ chơi cho mát. Thầy Bình hỏi:
- Bây giờ mình làm sao mà ăn cơm đây?
- Tôi với con Tý mua đồ dưới tàu mà ăn hồi chiều nên không đói. Còn nhà không có nấu nướng, rồi mình làm sao mà ăn cơm?
- Từ hôm xuống dưới nầy đến nay, tôi ăn cơm đằng nhà thầy ký Huê.
- Mình ăn cơm chiều rồi hay chưa?
- Chưa. Để một chút rồi tôi đi ăn.
- Tôi còn một hộp cá mòi của thầy Thanh mua dùm cho tôi đem theo. Để một chút rồi tôi sai con Tý đi kiếm bánh mì, nó mua về rồi ăn cũng được.
- Tôi có muớn thằng nhỏ ở đó. Muốn mua giống gì thì sai nó đi mua cho, chớ con Tý biết đường đâu mà đi.
- Thầy hai Thành có gởi lời thăm mình nữa.
- Hôm nọ tôi cãi với thầy dữ quá tôi tưởng thầy giận tôi chớ. Té ra thầy không giận, nên hôm tôi đi, thầy đưa cho tôi xuống tàu ở cho tới tàu chạy.
- Anh em nói chuyện chơi mà giận nỗi gì. Mà mình thiệt tệ lắm. Mình không vị ông mai chút nào hết, mình cãi dữ quá, tôi sợ mích lòng thầy chớ.
- Thầy nói chuyện nghe xưa quá, không cãi sao được.
Gần 7 giờ, thầy Bình kêu thằng nhỏ ở mà sai đi mua bánh mì, còn thầy đi lại nhà thầy ký Huê mà ăn cơm. Cô Huyền đem con vô mùng mà dỗ ngủ, rồi đi ra đi vô mà nhắm nhía căn nhà, coi bộ vui vẻ lắm.
Lại nhà thầy ký Huê ăn cơm, thầy Bình giấu biệt không chịu cho vợ chồng thầy ký hay việc vợ con thầy xuống. Chừng trở về nhà, thầy thấy cô Huyền đương ngồi chống tay trên bàn mà ngó ra lộ, cửa mở bét, dường như ngồi đợi thầy về; thầy bèn khép cửa lại và hỏi:
- Thằng Nghiệp ngủ rồi hay sao?
- Ngủ rồi. Chắc nó biết đi xuống ba nó nên nó mừng hay sao mà ngày nay ở dưới tàu nó giỡn dữ quá, dỗ cách nào nó cũng không chịu ngủ.
- Con nít biết khỉ gì mà mừng.
- Tính phải mua những đồ gì đâu, mình nói cho tôi biết, đặng sáng mai tôi đi mua.
- Thôi, đừng mua vật gì hết, tiền bạc chưa có, để thủng thẳng rồi sẽ hay.
- Tôi có tiền đây.Tôi đi cha có cho 30 đồng bạc.
- Ba chục đồng bạc mà mua giống gì! đừng có mua gì hết.
- Dầu không mua giống gì, thì cũng phải sắm nồi, ơ, chén bát đặng ăn cơm chớ. Bề nào cũng phải sắm một lần, để tôi lựa đồ thiệt tốt tôi mua.
- Tôi biểu đừng có mua giống gì hết. Tôi muốn mình về trển ở với cha, tôi ở dưới nầy một mình tôi ăn cơm tháng, tôi trả tiền cho người ta, làm như vậy ít tổn hao, mà ông già lại khỏi buồn nữa.
- Phân cách như vậy khó quá.
- Có lễ nghỉ tôi về thăm, đường dể đi, có khó chi đâu.
- Sợ thằng nhỏ nó nhớ rồi nó ốm tội nghiệp chớ.
- Thủng thẳng rồi nó quen chớ gì.
Cô Huyền ngồi buồn hiu.
Thầy Bình nhẫn tâm đến cùng, thầy không kể sự buồn của vợ, thầy lại nói tiếp:
- Tôi muốn sáng mai mình về liền, cho khỏi ông già ở nhà ổng trông. Mai 7 giờ có tàu chạy ra Mỹ Tho.
- Tôi có nói với cha tôi xuống ở chơi ít ngày. Cha biểu ở luôn chừng nào có lễ nghỉ thì tôi với mình sẽ về thăm cũng được.
- Biết chừng nào mới có lễ. Thôi mai mình về trước đi, rồi chừng nào có lễ thì tôi sẽ về.
- Để mẹ con tôi ở lại chơi ít bữa được mà.
- Mai hay ít bữa cũng vậy. Ở rồi ăn uống bất tiện quá.
- Ở chơi, thứ ăn uống mà lo làm chi. Thôi, mình để tôi ở một bữa, sáng mốt rồi tôi sẽ về.
- Muốn ở tới sáng mốt thì ở; mà mình đừng có đi mua vật chi hết nghe hôn, để thủng thẳng tôi có tiền rồi mua. Muốn ăn vật gì thì mình sai thằng nhỏ đi mua cho, mình chẳng cần đi ra chợ làm chi.
- Mình không cho tôi mua đồ thì thôi, tôi ra chợ làm chi. Tảng sáng bữa sau nữa, cô Huyền bồng con, con Tý sách hoa ly. Có thằng nhỏ ở dắt đường đưa xuống bến tàu mà về. Tàu chưa chạy, cô Huyền đứng dưới tàu ngó lên dãy phố mé sông thấy thiên hạ kẻ qua người lại lăng xăng, mà trong lòng cô áo não, nên sắc mặt buồn so, cô ngó lên rồi lấy khăn lau nước mắt. Chiều hôm kia, lúc tàu vô bến Cần Thơ, cô phấn khởi vui mừng bao nhiêu thì sớm mai nầy, lúc tàu mở dây mà chạy, cô cũng chứa chan giọt lụy bấy nhiêu. Những giọt lụy nầy chứa chan bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng, tiếc rằng tâm hồn của thầy Bình bị vòng danh lợi bao trùm làm cho cứng chắc cũng như sắc như đá, nên không thể thấm vô nổi.
Cuộc đời!......... Lòng người!...........