Băn khoăn

IX

Trong liền mấy ngày Thanh Đức bận công việc túi bụi. Hôm nào cũng vậy ngay từ sáng sớm, Thành đã cắp cái cặp lớn phồng lên vì ních chặt giấy má, đồ đạc, cùng đi với Trương lại nhà ông Thiện. Thành vào trạc ba mươi tuổi, người dong dỏng cao, vẻ mặt thông minh, mắt sáng trán cao, miệng rộng, nhưng hình dáng hơi ẻo lả, cử chỉ như đàn bà. Còn Trương thì người to lớn lực lưỡng, đầu đội cái mũ vành tay cầm cái hèo nhỏ xíu và tiếng nói nhỏ nhỏ như có vẻ bẽn lẽn sợ sệt. Ba người đưa nhau lên gác, vào phòng giấy; ông Thiện bảo người nhà dọn cơm ngay trong phòng giấy để khỏi phí một phút thì giờ nào. Và có hôm nào làm việc khuya quá, ông Thiện phải giữ Thành nghỉ lại nhà mình. May đã có gian phòng bỏ không của Cảnh đem dùng được việc. Ý ấy đã khiến ông Thiện nghĩ đến con trong dăm phút, nghĩ lướt qua.

Sáng hôm thứ tư, ba người ra đi rất sớm.

Ở một mình trong cái nhà rộng thênh thang, Oanh cảm thấy cô độc, hiu quạnh. Ít lâu nay Bản bận học thi bác sĩ nên cũng chưa đến. Nàng thấy Bản khác hẳn với cha và anh nàng. Tính tình điềm đạm, thực thà, ưa theo cổ tục, tuy sống giữa một bọn dễ theo mới, là bọn sinh viên trường thuốc. Nàng vẫn phàn nàn về điều đó, nhất là nàng lại thấy Bản nhiều phen đã làm cái đích cho những mũi tên chế riễu. Tấn kịch gia đình vừa xảy ra khiến nàng xét kỹ lại, ngẫm kỹ lại những tính tình lạ lùng của cha và anh, và thấy Bản đáng là một người chồng kiểu mẫu. Nàng cho tình yêu nhè nhẹ thường bền. Còn tình yêu bồng bột chỉ là một cơn giông tố ầm ỹ nổi lên rồi tan đi trong chốc lát. Nàng nghĩ đến Lan Hương. Nàng thương hại Lan Hương.

Người nhà gõ cửa báo có bác sĩ Đoàn cùng đi với một thiếu nữ lại chơi. Oanh vội vàng đi trang điểm qua loa, rồi xuống phòng khách. Thiếu nữ đi với Đoàn là Lan Hương.

- Anh! Ồ chị Lan Hương, tôi đương nghĩ đến chị thì chị đến chơi.

- Cô nghĩ tới tôi! Trong trường hợp buồn hay vui?

- Trong cả hai trường hợp; mời chị ngồi chơi.

Nàng gọi người nhà bảo đun nước. Nhưng tâm trí nàng để cả vào diện mạo Lan Hương; Lan Hương hơi gầy đi, nhưng vẫn đẹp, dưới hàng mi dài, mắt vẫn sáng và ngây thơ.

- Chị mới ra?

- Gì... ạ?

Lan Hương hỏi thẳng:

- Anh Cảnh bỏ nhà đi từ hôm nào, cô?

- Chị biết?...

- Dạ tôi biết hết. Tôi ra mời anh Cảnh vô nghỉ Sầm Sơn ít bữa. Cô ạ, anh Cảnh không thể ở xa chị em mình được; ở gần cô, tôi được yên lòng. Ở xa gia đình, nghĩa là xa cô, tôi lo cho anh Cảnh lắm, không khéo sẽ...

Lan Hương ngập ngừng mãi mới nói tiếp được hai tiếng chót:

- Trụy lạc.

Hai giọt lệ đọng trên mi nàng.

Đoàn nãy giờ vẫn ngồi im. Chàng coi như công việc của chàng chỉ là đưa em gái lại nhà Oanh. Uống cạn chén nước, chàng đứng dậy cáo từ, và bảo Lan Hương:

- Em ở đây chơi với cô Oanh. Chốc nữa anh lại đến.

Oanh đỡ lời:

- Anh cho phép chị Lan Hương ở đây chơi với em cả ngày hôm nay rồi nghỉ đêm nay với em. Chị em xa nhau lâu ngày, em có nhiều chuyện muốn nói với chị quá.

Đoàn mỉm cười bảo Lan Hương:

- Tùy em đấy! Em nghĩ sao?

- Dạ! Vậy anh cho phép em nhé?

- Được rồi. Anh đi gửi điện tín vào cho cô biết rằng em đã tới nơi để cô khỏi sốt ruột.

Lan Hương cười âu yếm:

- Anh chu đáo quá!

Oanh hỏi:

- Vậy chị vừa tới Hà thành?

- Tôi tới tối hôm qua.

Đoàn chào ra về. Oanh tiễn tới hiên rồi quay vào. Lan Hương gục ngay vào Oanh khóc:

- Chị ơi, sao em khổ thế này?

Trong lúc đau đớn, Lan Hương đã quên khuấy địa vị là hôn thê của anh bạn, và đã xưng em với Oanh một cách rất tự nhiên. Hai người ngồi kể lể tâm sự với nhau. Nói chuyện đến bà Án và Hảo, họ coi Hảo như một con yêu tinh hiện lên dương gian để phá hanh phúc các gia đình đương sống bình tĩnh, đương sống yên vui. Oanh bảo Lan Hương:

- Chị còn đỡ khổ. Em mới đau đớn chứ, vị hôn phu của chị, chị còn có đủ can đảm coi như một người dưng nước lã được...

Lan Hương ngắt lời bạn:

- Trời ơi! Sao chị lại nói thế?

- Chỗ chị em thân thiết em mới dám thổ lộ hết tâm can với chị. Vâng, chị còn có thể lãnh đạm coi anh như một người dưng, chứ em thì cha em, anh em... Trời ơi! Em chết mất, chị ạ.

Oanh không nói dứt được câu, vì nàng cho rằng việc đã xảy ra ấy quá sức tưởng tượng của loài người. Lan Hương, giọng đầy nước mắt:

- Bây giờ thì chỉ còn cầu trời giáng phúc để cứu vớt lấy hai linh hồn tội lỗi ấy mà thôi.

Oanh buồn rầu đáp:

- Em thì em cho mình phải tự cứu lấy mình, trời mới cứu mình được. Em sẽ liều một nước cờ cuối cùng, rồi có thua mới đành chịu thua.

- Chị làm thế nào?

- Em sẽ đến chơi Hảo.

- Chị đến Hảo? Vô ích chị ạ? Em thì em không bao giờ chịu nhìn mặt cái con người ấy.

Có tiếng chuông điện. Hai người lắng tai nghe. Oanh bảo Lan Hương:

- Có lẽ thầy em về chăng? Không, không nghe thấy tiếng còi ô-tô!

Nàng ra cửa sổ, nhìn qua cánh cửa chớp xuống cổng. Bỗng nàng tái người đi! Hảo ở phía ngoài cổng đương nói chuyện với một người ở gái đứng phía trong! Nàng thì thầm: "Lại một sự ngẫu hợp! Sao lại thế được. Động nói đến ai là người ấy hiện ra". Tự nhiên, nàng sợ hãi, như sợ hãi yêu quỷ, thần thánh.

- Chi đó chị?

Oanh thì thào, giọng khủng khiếp:

- Hảo!

- Hảo!

Hai người yên lặng ngồi chờ. Một lát người ở lên nói có Hảo lại chơi.

Oanh hỏi:

- Mày đã bảo tao có nhà chưa?

- Đã ạ!

- Rõ khổ!

Nàng quay lại dặn Lan Hương:

- Chị nằm nghỉ một lát, để em xuống xem cô ta muốn cái gì.

Nàng trù trừ... bỗng quả quyết bảo người ở:

- Không. Mày xuống nói tao ốm và đương ngủ.

Lan Hương cười:

- Thế cũng xong.

Một lát sau, người ở gái lên mang theo ba cái phong bì lớn giấy dày, Lan Hương tò mò và Oanh kinh ngạc nhìn. Tay Oanh run run cầm đọc lần lượt từng cái. Một chiếc gửi cho cha, một chiếc gửi cho anh, một chiếc gửi cho chính nàng. Nàng mở ra xem càng kinh ngạc hơn.

Tâm linh nàng như vừa báo cho nàng biết rằng chính Hảo đã cứu vãn danh dự cho nàng. Nàng thấy Hảo khác hẳn người mà nàng thường tưởng tượng phác ra?

- Có thể như thế được không?

Giữa lúc ấy có tiếng còi ô-tô ở cổng.

- Lần này thì thực thầy em về.

Tiếng ông Thiện ở phòng khách dưới nhà:

- Oanh! Oanh!

Oanh không kịp nói gì, để Lan Hương ở lại trong phòng ngủ, cầm cả ba phong bì hấp tấp chạy xuống. Ông Thiện mặt mày hớn hở bảo con, làm như con đã biết rõ công việc của ông:

- Cái mỏ ấy về thầy rồi... Thầy không mua lại. Nhưng thần tình lắm. Thầy mà đã định là phải được. Đấy nhé, thầy biếu ông ta, ông Trường ấy mà, thầy biếu ông ta có năm nghìn bạc, ông ta làm giấy xin bỏ cái périmètre 1 ấy, cùng một lúc thầy đệ giấy xin luôn cũng cái périmètre ấy. Chỉ năm phút sau, cái mỏ vàng vào tay thầy. Thành thử bây giờ thầy hoàn toàn làm chủ nhân cái mỏ quý ấy. À! Anh Cảnh con đâu?

Oanh cười:

- Thầy đuổi anh con đi rồi thầy còn hỏi anh con đâu.

- Thế con đi tìm anh con ngay, việc này thầy cần đến anh con. Ồ! Giấy má quan hệ lắm.

- Vâng, con xin đi tìm. Nhưng trước hết con hãy trình thầy biết một tin này đã.

Nàng nhân lúc cha đương vui thích về công cuộc kinh doanh để cho ra ngay cái tin buồn, và nàng đưa cho cha xem ba tờ giấy báo hỷ.

Ông Thiện đỡ lấy xem. Bỗng ông chân tay run lên, mặt mày tái mét, miệng lẩm bẩm:

- Lạ! Có lý nào!

Và ông chạy vội ra ô-tô, bảo tài xế lái lại đằng bà Án.

Oanh chạy lên gác; Lan Hương hỏi:

- Cái gì thế, chị?

- Hảo báo tin mừng.

- Tin mừng?

- Vâng, tin mừng. Hảo lấy ông huyện Tố, mười sáu này cưới.

Lan Hương sung sướng ôm chặt lấy Oanh:

- Chị bảo gì?

- Có thể Hảo tốt thực không?

- Biết đâu rằng Hảo tốt, Hảo chỉ kén chọn lấy một nguời chồng mà Hảo yêu.

Oanh giọng bí mật:

- Không phải! Quyết không phải thế. Nếu quả thế thì sao Hảo cưới vội vàng, hấp tấp thế này, như cưới chạy tang vậy. Chị ạ, em cư xử với chị Hảo thực là khiếm lễ. Chiều nay em phải xin lỗi mới được.

--------------------------------

1 Biên giới cái mỏ.
Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá