Băn khoăn
VII
Mùa đông đã qua, một mùa đông rét sớm và ẩm và dai dẳng mãi như không bao giờ dứt.
Rồi mùa xuân đột ngột tới, như một người tình đi xa bỗng dưng một hôm về mà không báo tin trước. Một mùa xuân sáng sủa, ấm áp đem nhựa non đến cho cây cỏ, đem tươi trẻ ham muốn lại trong lòng người.
Đêm hôm trước còn mưa sập sùi. Gió hiu lạnh, sáng hôm sau đã tạnh ráo, quang đãng. Anh sáng trong từ vòm trời xanh tỏa xuống. Làn không khí dịu dàng bao phủ, ôm ấp vạn vật. Người ta có cảm tưởng sưởi ấm lòng, và máu nóng tự tim man mác bốc lên đầu. Và người ta say sưa êm ái. Cảnh đương có cảm tưởng ấy. Chàng đứng tựa cửa sổ ngắm nghía những búp tơ trên cành bàng lực lưỡng, như trông thấy những nõn vàng mũm mĩm đương mọc, và nghe tiếng nhựa chảy trong huyết quản khắp người chàng. Những cây sữa màu xanh non xòe ra như bàn tay mỹ nữ, bên cạnh hàng chùm tơ mơn mởn mà những trận mưa ròng rã mấy hôm nay đã rửa sạch bụi.
Tất cả, cái gì cũng mới, cũng tươi, cũng đẹp như để sửa soạn đón tiếp một ý tưởng, một nguyện vọng, một thị hiếu vừa nẩy nở và đương bay liệng, không mục đích, trong không gian ngây ngất hương hoa men nhựa.
Chàng tự hỏi không biết có thể hay có nên cứ sống mãi trong tình cảnh này không. Chàng thấy cái đời sống của chàng ở Hà thành có nhiều thú vị.
Nhưng hôm nay, giờ này chàng có cảm giác rằng những thú vị ấy không còn đủ cho chàng nữa. Lòng chàng đương sôi lên phản kháng. Ái tình che đậy, ái tình thuần khiết, hai bên chỉ thầm kín tương tư với nhau, sầu muộn vì nhau mà bấy lâu chàng ôm du trong giấc mộng dài, vừa vụt trở nên nhạt nhẽo trong ý nghĩ chàng. Chàng cho phải đi xa hơn nữa. Và chàng chắc Hảo cũng bằng lòng, cũng ao ước điều ấy như chàng.
Chàng cố nhớ lại dáng điệu, ngôn ngử, cử chỉ của Hảo: Hảo không thể không yêu chàng được, có khi còn yêu chàng nồng nàn là khác nữa.
Cảnh vươn vai hít khí trời vào đầy ngực, rồi thở ra khoan khoái và chàng mỉm cười. Hạnh phúc mênh mang vừa theo khí trời thấm vào tâm hồn chàng.
Bỗng chàng như sắp đi tới một cuộc hẹn hò, vội vàng xem giờ rồi hấp tấp ra đi. Chàng đi lang thang không mục đích. Ra Hàng Kèn xuống Cửa Nam, qua Hàng Bông, Hàng Gai, thẳng lên hồ Hoàn Kiếm. Bên hồ tơ liểu thướt tha bỗng gợi lòng buồn, mối buồn man mác, vô cớ và thoáng qua. Vì chỉ một phút sau, cảnh đền Ngọc Sơn đã đưa cái vui cũng man mác và vô cớ vào lấn chỗ cái buồn vụt tan đi. Chàng cho tòa đền là viên bạch ngọc nạm trong cái khung ngọc thạch Chàng lại so sánh nó với một thiếu nữ trong trắng đứng mơ mộng chờ ai, và tự nhiên chàng nghĩ đến Hảo. Một người đến vỗ vai. Chàng giật mình quay lại.
- Ồ! Anh Hoằng! Sao anh lại đi đường này?
Hoằng cười:
- Tôi ở trường ra, đi vòng lên phố Trường Thi, quanh ra Hàng Trống rồi thủng thỉnh tới đây. Đi bách bộ một lát về ăn cơm cho ngon. Chắc hẳn anh cũng vậy, còn hỏi gì tôi?
Cảnh, tâm hồn còn ngây ngất say sưa:
- Anh có thấy không, mùa xuân đẹp quá, ấm áp, dịu dàng, khiến người ta yêu sống.
Hoằng cười mỉa mai:
- Yêu sống quá hóa điên cuồng. Tôi càng nghĩ càng thấy tạo hóa chí công và rất khôn khéo sinh ra bốn mùa liên tiếp nhau. Nếu chỉ có toàn một mùa thì trong nhân loại không còn trật tự gì nữa.
Cảnh lạnh lùng:
- Anh nói trật tự về đạo đức?
- Về đạo đức, về tinh thần cũng như về vật chất, nghĩa là nói chung về đời sống. Anh trông những búp non kia kìa. Thực là một cuộc sống bồng bột, kiêu ngạo, lăng loàn. Được rồi! Sẽ có mùa hè để thiêu bớt nhựa mát, sẽ có mùa thu để cạn bớt nhựa đầy, và sẽ có mùa đông để làm cho nhựa héo khô mà chờ đợi cuộc tái sinh với mùa xuân tới.
- Nhưng nếu quanh năm toàn là mùa xuân, thì có phải không có cuộc tái sinh!
- Và thay vào đó một cuộc sống hỗn độn và ngắn ngủi. Hỗn độn vì không có cái gì kiềm chế nổi sự bồng bột. Ngắn ngủi vì một năm bốn mùa xuân sẽ dài bằng bốn năm, và số một trăm năm giới hạn đời người sẽ thu lại còn có hăm lăm năm.
Cảnh cười:
- Ồ! Thế thì sung sướng quá nhỉ! Tôi chỉ ước ao sống ồ ạt lấy mười năm như thế rồi chết.
- Vậy mời anh sang quần đảo Tahiti. Nghe nói quanh năm ở đó chỉ có một mùa xuân, và quanh năm trai gái đàn hát, nhảy nhót nô giỡn nhau trong làn ánh sáng êm dịu, trong làn không khí ấm áp. Không những đó là một sự hỗn độn, một sự thiếu trật tự trong tâm hồn, đó là một sự nguy hiểm ghê gớm hơn nữa. Anh có biết dân tộc trong quần đảo ấy sống tới đâu không?
- Đi tới đâu? - Cảnh mỉm cười hỏi lại.
- Đi đến chỗ tiêu diệt, và vài trăm năm tới đây người ta sẽ không còn nghe đọc đến tên thổ dân các đảo Polynésie nữa. Làm sao thoát ra ngoài định luật vật lý của vũ trụ được?
Sợ Hoằng lại giở mớ định luật vật lý của chàng ra như mọi lần bàn luận về vũ trụ, Cảnh ngắt đứt câu chuyện:
- Nhưng tôi hãy hỏi anh có thích mùa xuân không?
- Tôi thích mùa xuân như tôi thích mùa hạ, mùa thu, mùa đông. Anh đừng tưởng ai ai cũng thích mùa xuân một cách bồng bột, ham mê như anh cả. Và các cụ ta thường đặt mùa thu ở trên mùa xuân. Mùa thu rất được nhắc nhỏm, ca tụng trong những câu thơ bất diệt của cổ nhân. Mùa thu là một mùa có điều độ, có trật tự chớ không ngạo nghễ, ầm ỹ, say sưa như mùa xuân. Những tính chất này, cổ nhân rất ghét.
- Thế Lý Bạch? Lý Bạch rất hay ca tụng, rất yêu mến mùa xuân.
- Vì thế Lý Bạch mới điên cuồng, mới mất hết điều độ và trật tự trong cuộc sống.
Cảnh khó chịu không phải chàng thầm cho Hoằng là gàn - ý nghĩ mà Hảo thường tỏ ra một cách rõ rệt tuy cố giữ kín đáo - song những lúc này, chàng không muốn nghe những lời triết lý đạo đức của Hoằng. Nhân có xe điện tới, chàng cười nói:
- May cho anh quá, vừa gặp chuyến xe điện.
Chàng giơ tay bắt tay Hoằng và hầu như thì thầm, chàng hỏi:
- Mai thứ năm, có mạt chược chứ?
Hoằng cười bí mật:
- Ngay chiều nay cũng được. Nếu muốn đánh thì ăn xong lại.
Cảnh ngần ngừ mắt đăm đăm nhìn Hoằng:
- Thôi, mai... Mai tôi lại sớm.
Hoằng bắt tay một lần nữa và nói tiếp:
- Được, vậy mai nhé!
Cảnh thủng thỉnh quay về, lòng dịu xuống.
Tới cổng, chàng giựt mình trông thấy ô-tô của cha đậu ở sân. Chàng vào phòng ăn và gặp Oanh ở đó:
- Thầy về?
- Vâng, thầy vừa ở đồn điền về. Thầy chưa xơi cơm, thầy bảo thầy cùng ăn cơm với chúng ta. Xong cả rồi, chỉ chờ có anh vẻ.
- Anh lên chào thầy nhé!
Cảnh lên gác. Một lúc sau chàng cùng ông Thiện nhanh nhẹn bước xuống thang. Rồi ba cha con ngồi vào bàn ăn.
Trái với mọi lần trước, Cảnh thấy cha vui vẻ ân cần. Chàng nghĩ thầm: "Chắc ông cụ lại đã vừa tóm được một việc gì lãi hàng vạn" và chàng dò ý:
- Bẩm, độ này trông thầy khá, da dẻ hồng hào. Đấy, thầy xem, cứ nghỉ ngơi là lại người ngay.
Ông Thiện cười:
- Nghỉ ngơi! Nghỉ ngơi gì! Thầy thì khác hẳn với người thường. Hễ cứ ngồi rồi, không có việc gì để làm, hay để suy tính thì ăn kém ngon, ngủ kém yên, rồi người sút hẳn đi. Còn khi nào bận bịu công kia việc nọ thì thầy lại khỏe mạnh ngay.
Ông cười càng to, nói tiếp:
- Thân thầy thực là thân cái lưỡi cầy. Có làm việc mới sáng, mới bóng, vất xó thì gỉ sét liền.
Oanh cũng cười:
- Chúng con chẳng giống thầy được một vài phần. Anh nào em nấy lười chảy xác ra.
Ông Thiện bỗng trở nên trang nghiêm:
- Các con cũng tập kinh doanh đi thì vừa. Ăn không ngồi rồi mãi sinh hư thân mất nết. Thầy định tháng này anh Cảnh con cưới vợ rồi thầy để trông coi cái đồn điền Phú Thọ.
Cảnh yên lặng và lơ đãng. Ông Thiện nói tiếp:
- Thầy đã ngỏ ý với ông Quản và Lan Hương. Lan Hương vui mừng hí hửng. Nó thích làm đồn điền lắm. Mà thầy xem ra nó cũng đảm đang, sau này có thể giúp đỡ con được.
Ông vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Cảnh:
- Ông bà bên ấy cũng muốn cho cưới ngay năm nay... thầy tưởng tháng ba này. Thế nào! Tháng ba được chứ? Thầy về hôm nay cũng cốt để bàn với con việc ấy.
Cảnh cố lấy giọng tự nhiên đáp lại:
- Bẩm thầy hãy cho chúng con thư thả. Làm gì vội.
- Không phải là thầy muốn vội. Nhưng nhà gái người ta... sốt ruột chứ.
Cảnh vui vẻ:
- Bẩm thầy, nhà gái là Lan Hương... Lan Hương mà...
Ông Thiện cướp lời:
- Thì chính Lan Hương. Thầy bảo Lan Hương nó sốt ruột. Con tính làm gì mà chẳng sốt ruột, lo lắng... vị hôn phu của nó ở nơi Hà Thành hoa lệ, đây những thiếu nữ xinh đẹp.
- Bẩm thầy về điều đó thì chị Lan Hương không sợ, ở Hà thành chả có ai đẹp được bằng chị con.
- Cả con nữa, năm nay thầy cũng cho cưới. Để thầy lo một chuyến cho xong cả đi... Rồi thầy để vợ chồng con ở cái nhà này... Thầy định cho con cái nhà này!
Oanh đỏ mặt cúi xuống:
- Bẩm thầy để Bản học xong đã chứ.
- Còn có một năm nữa nó ra. Sang năm chỉ còn phần luận án đề thì phỏng khó khăn gì!...
Lâu nay Oanh vẫn chờ tin tục huyền của cha. Tin ấy nàng thấy mọi ngày một thêm chắc chắn. Người ta còn kháo nhau rằng lễ dẫn cưới là một cái đồn điền. Điều này nàng cũng cho là đúng vì một lần nàng có nghe cha nói muốn bán lại một cái đồn điền nhỏ để có thể thêm tiền khai khẩn nơi còn bỏ hoang trong những đồn điền khác. Thì ra ông Thiện nói chặn trước và ở Hà thành không có điều bí mật gì mà người ta không đoán biết.
Vậy thì hai đám cưới có vẻ vội vàng hấp tấp của hai anh em nàng, nàng cho phải có liên lạc với việc tục huyền của cha. Cha muốn các con thành gia thất cả đi, để không còn chút cản trở gì tới việc riêng của mình nữa.
- Thế nào? Các con bằng lòng như thế cả chứ?
Cảnh trù trừ đáp:
- Bẩm thầy, cho phép con nghĩ kỹ đã.
- Ừ con nghĩ kỹ đi. Sáng mai trả lời cho thầy biết. Thầy chắc rằng việc này thế nào anh cũng không để thầy phải phiền lòng.
Chừng cho câu nói của mình hơi quá nghiêm khắc đối với con, ông Thiện cười vui vẻ. Rồi ông gấp khăn để lên bàn đứng dậy, lên gác.
- Thầy xơi cà phê đã.
- Thôi thầy uống cà phê sợ không ngủ. Thầy đi nghỉ trưa một lát.
Ngồi lại ở bàn ăn hai anh em yên lặng nhìn nước cà phê chảy từng giọt từng giọt từ cái lọc xuống cốc. Chẳng biết làm gì, thỉnh thoảng Oanh lại mờ nắp lọc và hý hoáy tháo lỏng cái hãm cho cà phê chảy mau hơn. Cảnh thì cầm thìa gõ vào đĩa, miệng se sẽ huýt sao. Bỗng Oanh ngửng lên nhìn anh, mỉm cười nói:
- Anh đã nghĩ kỹ từ lâu rồi?
- Em bảo nghĩ kỹ về việc gì?
- Về việc hôn nhân của anh.
- Anh không hiểu.
- Anh lừa dối thầy. Anh lại muốn lừa dối cả anh. Nhưng em biết, em biết hết. Hảo đã nói hết với em.
Cảnh giật mình:
- Hảo nói hết với em? Hảo nói những gì?
- Nghĩa là Hảo chỉ nói một câu hình như không quan trọng, nhưng câu ấy em thấy giấu một ý nghĩa... em có thể cho là mênh mang... đấy là nói theo các thi sĩ.
Cảnh sốt ruột, chau mày hỏi.
- Hảo bảo em cố khuyên anh cưới vợ ngay đi.
Cảnh phá lên cười. Rồi lại hỏi:
- Em gặp Hảo ở đâu?
- Ở Gô-đa. Với lại em thường gặp Hảo ở các nhà chị em bạn.
Hai người lại yên lặng. Oanh vẫn theo đuổi ý nghĩ. Nàng thấy rõ rệt lắm. Hình dung và tính tình anh thay đổi, nét mặt anh ủ rũ và buồn phiền mỗi khi anh ở đằng bà Án về. Đó là hình dung và tính tình một người thua bạc? Nhất định không phải! Được thua không có ý nghĩa gì đối với Cảnh, một người không bao giờ mê cờ bạc.
Nhưng nàng còn hy vọng ở phía Hảo. Nàng thấy Hảo là một người tính toán, một người không bao giờ bồng bột, một người trái ngược với Cảnh. Nàng đoán rằng nếu Hảo có để Cảnh tán tĩnh đi nữa thì cũng do lòng kiêu căng, tự ái của một mỹ nhân, chứ không phải do ái tình. Nàng thân mật với Cảnh cũng như với ông huyện Tố, ông tham Văn thường đến nhà nàng đánh tổ tôm, mạt chược, thân mật theo lối xã giao. Yêu thì nhất định người ấy không thể yêu ai được. Trừ khi yêu người nhiều của, lúc nào cũng sẵn sàng vứt ra nghìn ấy, vạn ấy cho mà tiêu. Oanh đã sẵn có thành kiến ấy đối với Hảo, nên nàng rất tin Hảo có thể lấy cha nàng được lắm. Cha nàng là một người chồng hoàn toàn của hạng thiếu nữ chỉ thích có một việc tiêu tiền như Hảo, hoàn toàn trong hiện tại và cả về tương lai vì Hảo sẽ trở nên một quả phụ còn trẻ, còn đẹp như mẹ nàng, một quả phụ với một kho tài sản hầu vô tận: tha hồ mà phung phí, mà chơi bời.
Luận lý như thế, đã nhiều lần Oanh thấy hơi tiểu thuyết. Nhưng nào phải trong đời thực tế không có những thiếu nữ nơi quý tộc lấy kế những người đứng tuổi mà cả người già nữa và định luật ấy, dùng theo chữ của Hoằng, định luật vật lý ấy, loài người làm thế nào mà tránh thoát được; ở phía dân tộc Việt Nam nó đã phả vào ca dao rồi.
Trời mưa nước chảy qua sân,
Em lấy ông lão qua lần mà thôi.
Bao giờ ông lão chầu Trời,
Thì em lại kiếm một chàng trai tơ.
Câu ca dao đúng tới muôn đời, có khác là thời nay họ thích ở góa hơn là "lại lấy một người trai tơ". Người xưa người ta chất phác. Tình người ta giản dị, người ta chỉ nghĩ đến lấy người trai tơ. Chứ ngày nay người ta khôn ngoan hơn, tình người ta phiền phức hơn, người ta thấy ở góa có lợi cho hạnh phúc người ta hơn. Về hạng này Oanh cho một cái gương bà Án đủ chứng tỏ.
Xưa kia bà là một thiếu nữ xinh đẹp có tiếng ở một tỉnh nhỏ. Năm mười chín tuổi, bà lấy kế một ông Phủ gần năm mươi. Năm băm hai bà góa chồng. Và bắt đầu ngay từ đấy, bà sống một cuộc đời ầm ỹ, xa hoa cho mãi tới ngày nay. Vậy sao Hảo lại không giống bà? Giống vì di truyền huyết thống hay vì ảnh hưởng hoàn cảnh. Những luận đề tâm lý mà Oanh đã học mấy năm qua trở lại trong ký ức nàng để bênh vực cho lý thuyết của nàng.
Nhưng từ hôm nàng nghe câu Hảo khuyên nên giục Cảnh cưới vợ thì nàng sinh ra nghĩ ngợi. Đối với nàng câu ấy có thể ngẫu nhiên mà có. Nhưng nàng ngờ rằng Hảo yêu anh nàng. Vì yêu nên sợ phạm tội lỗi. Và vì sợ phạm tội lỗi nên muốn Cảnh lấy vợ ngay, đề cắt đứt hết ái tình mới nhóm giữa hai người.
Chính hôm nay nàng thốt câu ấy ra cũng là để dò tâm tình Cảnh. Nhưng hình như Cảnh không lưu ý tới. Nàng thở dài chua chát bảo anh:
- Bọn đàn ông họ tệ thực! Họ muốn, cầu cạnh khổ sở, chỉ còn thiếu họ lạy van nữa. Thế mà khi đã mê một người khác thì họ quên mình ngay.
Cảnh cười đáp:
- Thiết tưởng em chả nên có ý nghĩ yếm thế ấy. Bản thì chẳng bao giờ quên được em.
- Em nói chung cả bọn đàn ông. Chứ nếu em mà biết Bản say mê một ai thì em đoạn tuyệt ngay. Chẳng yêu nhau thì lấy nhau làm gì để làm bận lẫn nhau.
- Anh thì anh tưởng yêu nhau khác, lấy nhau khác.
- Câu ấy mà đến tai chị Lan Hương thì hẳn chị ấy phải khổ lắm.
Cảnh đứng dậy, ôn tồn nói:
- Hôm nay em tức tối điều gì nên em ác cảm lây với anh.
- Trái lại thế, em chỉ muốn cứu vớt anh và cứu vớt danh dự gia đình.
Oanh biết câu ấy quá mạnh, quá dữ dội, nhưng dầu thế nào cũng phải nói ra một cách sống sượng với anh một lần. Danh dự gia đình! Nàng thấy chữ hơi to tát. Làm thế nào mà giữ được danh dự cho cả một gia đình. Tự cứu mình đã khó, cứu sao được người khác trong gia đình? Nhưng sự ngờ vực, sự ghen tuông, sự tranh giành giữa hai cha con, vì một thiếu nữ, nàng thấy sẽ thành một đầu đề làm trò cười cho công chúng. Làm trò cười! Đó mới là một điều đáng sợ. Làm trò cười còn nhơ nhuốc bằng mấy mươi mất danh dự; nàng như trông thấy ở trong một khách sạn những ngón tay trỏ vào nàng, như nghe thấy tiếng thì thầm vào tai xóm giềng: "Oanh đấy! Nó là em gái của Cảnh con gái ông Thiện, hai người cùng phải lòng một cô Hảo đây mà!"
Không, không thể thế được. Nước mắt Oanh chảy ướt má, nước mắt tức giận và xấu hổ, và nàng trở vào phòng, sợ anh quay lại trông thấy mình khóc.