Băn khoăn
IV
Sau khi ông Thiện đi rồi. Cảnh đứng thần người nhìn ra cổng hồi lâu, chẳng để ý tới câu chuyện của em. Oanh không bằng lòng bỏ lên gác. Cảnh thủng thẳng đi ra cổng, tiếng Oanh gọi ở cửa trên gác:
- Anh! Anh đi đâu đấy?
Cảnh ngửng lên mỉm cười đáp:
- Trời cuối thu đẹp quá, anh đi dạo quanh một lát.
- Nhưng gần mười một giờ rồi, anh ở nhà xơi cơm thôi chứ!
- Được, anh sẽ về ngay.
Đi vài bước, chàng quay lại nói tiếp:
- Chờ cơm anh đến mười hai giờ. Hễ mười hai giờ anh không về thì em cứ ăn, mà đừng để phần cơm nhé.
- Vậy anh ăn cơm ở đâu?
- Gặp đâu ăn đấy, thiếu gì cao lâu.
Rồi chàng rảo bước đi thẳng về phía Hồ Hoàn Kiếm; nửa giờ sau chàng tới phố Quan Thánh. Chàng tự hỏi một cách thiếu thành thực: "Sao mình lại đến đây? Mình lại đi đâu bây giờ!" Và chợt nhớ ra rằng Hảo ở phố này: "Nhân tiện đến thăm Hoằng". Chàng thấy chàng ưa thích cái tính hiền lành và ít lời của Hoằng.
Nhưng khi tới cổng bà Án, tự nhiên chàng do dự, nhút nhát, dù xưa nay chàng rất không hay nhút nhát. Để giúp chàng lui binh, một ý tưởng may mắn vụt đến trong ý nghĩ của chàng: bây giờ Hoằng sắp về tới nhà. Chàng cho rằng Hoằng sẽ ngờ vực thái độ hành vi của mình.
Chàng liền nghiễm nhiên bước qua, mắt thoáng ngước nhìn lên gác và thấy hàng cửa sổ đóng kín, chàng liền rẽ sang đường Cửa Bắc. đi ngược lên phố Nhà Thờ, lại rẽ sang phố Victor Hugo để theo đường Giám về phố Cửa Nam.
Tới nhà và ngước mắt nhìn lên gác, chàng vẫn thấy Oanh ở cửa sổ như lúc chàng ra đi, tưởng chừng nãy giờ chàng vẫn đứng yên môt chỗ, không hề nhúc nhích. Trông thấy chàng lại gần, cô em gái ngoan ngoãn cúi xuống nói:
- Chưa đến mười hai giờ, anh ạ. Anh về đúng giờ lắm. Em bảo nó sắp cơm nhé?
Oanh chạy xuống, tay nàng cầm chiếc phong bì, Cảnh hỏi:
- Thư nào thế?
Oanh vội giấu phong bì, hỏi lại:
- Đố anh biết?
Cảnh hơi cau mày:
- Thư của Lan Hương, phải không em?
- Đích! Chữ chị làm gì mà thoáng qua anh không nhận được ngay. Nếu anh đi chậm độ năm phút thì có phải đã được đọc thư chị rồi không? Không nghe lời em bao giờ cũng thiệt.
Cảnh đỡ lấy thư, Oanh nói tiếp:
- Chị hoang quá, dán tới mười hai xu tem. Thư tuy có nặng thực, nhưng giá dán chín xu cũng vừa. Độ tám trang là cùng chứ gì.
Cảnh đáp:
- Mấy trang thì cứ bóc phăng ra sẽ biết.
Vừa nói chàng vừa hấp tấp xé phong bì, và rút tập thư ra đếm tờ:
- Mười hai trang.
Oanh cười:
- Chị thực có tài viết thư. Em thì cố kéo lắm họa may được ba, bốn trang là cùng.
Cảnh cũng cười:
- Em thì cần gì phải viết dài, mà cần gì phải viết thư nữa, Bản ở cách em có một quãng đường.
- Thôi, em để anh đọc thư, em đi bảo nó sửa soạn bày bàn.
Cảnh bỏ tập giấy vào túi, đáp:
- Ăn đã rồi hãy hay. Đói lắm.
Nhưng chàng cũng lên gác vào phòng mở thư ra đọc. Chàng vừa chợt tức tối hằn học nghĩ đến Hảo, và chàng cho như đọc thư của vị hôn thê tức là trả thù được cô thiếu nữ kia.
"Anh Cảnh yêu dấu của em,
Em mong, em ước ao rằng người thương mến nhận bức thư này của em vẫn mạnh khỏe như thường. Em ước mong thế là vì em lo sợ lắm, luôn bốn hôm nay em không tiếp được thư anh".
Cảnh ngừng lại suy nghĩ. Chàng vừa có cảm giác sung sướng được một thiếu nữ tưởng nhớ từng phút, mong đợi tin tức từng giờ, vừa thấy khó chịu, cái khó chịu đột nhiên của hạng người ích kỷ muốn đời mình được hoàn toàn tự do, không phụ thuộc, không ăn cùng nhịp cùng điệu với một đời nào khác, yêu hay không yêu, quyền ấy phải ở chàng, chứ không thể ở ngoài, và chàng cho mấy lời bắt đầu thư của Lan Hương là những lời trách móc, hơn thế, là một mệnh lệnh của ái tình. "Có lẽ Lan Hương bắt ta không một lúc nào được rời nghĩ đến nàng chăng?" Tự nhiên và như do một sức mạnh huyền bí, Cảnh nghĩ đến Hảo. Hình ảnh lộng lẫy đầy tình ái của Hảo hiện ra, rõ rệt trong ký ức chàng, chàng chau mày nhịn thở, cố chống lại sự áp bức sự khiêu khích và hai tay ôm đầu, chàng cúi đọc tiếp:
"Tới đây, xin anh hãy ngừng lại, lấy giấy bút viết cho em mấy chữ anh vẫn mạnh khỏe, và bỏ phong bì gửi ngay cho em đã, để em yên lòng. Rồi anh sẽ đọc tiếp.
Đáng lẽ thư em viết tới đây là chấm hết, đế anh khỏi phải đọc nữa và đi biên thư để trả lời em ngay. Rồi mai em hãy viết cho anh bức thư khác dài hơn, nhưng em không cưỡng lại được lòng em. Em muốn viết cho anh hết cả những chữ những nét của em, anh trông rõ được lòng trung thành của em đối với anh. Anh mà ngờ vực lòng trung thành của em đối với anh thì em không thế sống được đâu.
Anh có thấy ngờ vực thì khổ sở như thế nào không anh? Em không muốn anh khổ, vậy anh đừng ngờ vực gì. Anh nên biết rằng Lan Hương là hoàn toàn của anh, trong khi tỉnh cũng như trong khi mộng. Trời ơi! Ngờ vực thì khổ biết bao!"
Cảnh rời bức thư, ngẩng lên mơ mộng nhìn trời: "Lan Hương ngờ vực chăng?" Rồi mỉm cười chàng đọc tiếp:
"Anh Cảnh thân mến của em, anh phải tin chắc như thế. Lan Hương là hoàn toàn của anh. Dĩ vãng cũng như hiện tại, cũng như tương lai của Lan Hương là của anh. Dĩ vãng của Lan Hương để đợi anh. Còn hiện tại và tương lai của Lan Hương là chắc thuộc hẳn về anh rồi.
Quan niệm của em về tình ái là thế: thanh khiết và thuần túy và chuyên nhất. Một tấm lụa trắng không ố, một viên ngọc quý không vết. Trời ơi! Em không thể tưởng tượng một thiếu nữ có một dĩ vãng... đừng nói ô uế vội, hãy nói một dĩ vãng không hoàn toàn trong sạch mà còn có thể trở nên một vợ hiền được! Trong một tiểu thuyết em đọc đã lâu và quên cái tên truyện lẫn tên tác giả, em còn nhớ một câu này của người vợ trả lời chồng: ‘‘Đời dĩ vãng của em anh không được phép nhòm nhỏ tới. Anh chỉ nên biết rằng từ ngày em làm vợ anh, thì chuyên nhất yêu anh, thế thôi...’’
Thế thôi? Không, không thể thôi được, phải không anh? Nước ao tù là nước ao tù, mà nước giếng khơi là nước giếng khơi. Có ai lấy nước ao tù đem đánh phèn để dùng làm nước uống không? Bây giờ nó trong, nhưng nó vẫn là nước ao tù. Uống vào, nếu miền cưỡng phải uống, khỏi sao không lợm giọng!"
Cảnh cau mày tự nhủ: "Dễ thường Lan Hương ám chỉ ta chăng?" Thì thư của Lan Hương trả lời chàng ngay:
"Quan niệm của em là riêng về phụ nữ. Chứ về phía nam nhi mà mong được người chồng ‘trinh tiết’ thì đó hẳn là một ảo mộng. Được người ta thương mình bằng một tình thương chuyên nhất cũng là sự hạn hữu; ấy em chắc em đã được, mà được mãi từ ngày, từ buổi sáng em gặp anh trên biến Sầm Sơn! Em đã đọc rất rõ ràng trong cặp mắt thắng thắn ấy sẽ không bao giờ phản em!"
Cảnh gấp bức thư lại, ngồi thừ ra suy nghĩ. Chàng lo lắng, sợ hãi: đôi mắt sáng của Lan Hương đương mỉa mai nhìn thẳng vào mắt chàng và chàng ngần ngừ chưa dám đọc tiếp. Tiếng mở cửa vừa đến giúp chàng ra khỏi một sự băn khoăn.
Oanh cười hỏi:
- Anh xem xong thư chị chưa?
- Xong rồi, em ạ.
Và chàng tự nhủ:"Thôi để lát nữa đọc nốt".
- Vậy ăn cơm anh nhé?
- Ừ, phải đấy. Anh đương đói.
- Thế thì hay lắm. Anh sẽ nếm món cá kho tương của em và sẽ "nói cho em biết những tin tức về nó".
Dứt lời nàng cười khanh khách. Cảnh như còn đang cáu kỉnh với bức thư của Lan Hương, tàn nhẫn bảo em:
- Giá câu ấy em nói lần đầu tiên thì anh cũng cố cười để làm đẹp lòng em, nhưng hình như câu văn nhạt nhẽo ấy em dùng đã tới lần thứ một trăm mấy rồi thì phải.
Oanh vui vẻ đáp lại:
- Vậy thì anh đừng cười và cũng đừng cố cười là hơn hết.
- Nhưng được cái món cá kho tương của em thì hẳn là không nhạt nhẽo. Thế cũng đủ rồi.
- Cũng đủ rồi? Em ước ao rằng anh sẽ cứ dễ dãi như thế mãi đối với Lan Hương sau này.
Cảnh cười lành:
- Em giận đấy? Thôi, nếu lời của anh có lẽ phạm tới em thì anh xin lỗi.
- Chả bao giờ em giận anh. Vả anh nói rất đúng, công việc của phụ nữ có lẽ chỉ ở nồi cá kho tương.
- Thôi, cái vấn đề phụ nữ ấy sau sẽ giải quyết. Bây giờ thì anh em ta đi ăn cơm đã.
- Đúng lắm, vậy xin mời anh.
Cảnh theo Oanh xuống phòng ăn, rồi hai người yên lặng ngồi vào bàn.
Cảnh vừa ăn vừa nghĩ tới đoạn thư đã đọc. Chàng mơ mộng, buồn rầu.
- Thế nào! Món cá chép kho tương của em thế nào?
- Ngon đấy chứ!
Oanh cười:
- Đấy chứ? Nghĩa là cũng ngon vậy vậy, phải không anh?
- Không, ngon chứ!
- Cũng như hôm qua em hỏi anh: "Cô Hảo đẹp không?" Anh trả lời: "Đẹp chứ!" Khiến em ngờ vực cái nhan sắc của cô ta.
Cảnh như tỉnh mộng, chăm chú nhìn em. Rồi chừng sợ Oanh ngờ vực điều gì, chàng cười đánh trống lảng:
- Đó là một thói quen của anh. Em đừng lưu ý đến là hơn hết.
- Vậy bây giờ em hỏi lại nhé. "Cô Hảo có đẹp không?"
- Rồi chủ nhật em sẽ biết. Thực ra anh cũng không rõ cô ta có đẹp hay không.
Cảnh cố nói chữ "cô ta" với giọng thực lãnh đạm, tưởng để lừa dối mình. Chàng lại thêm:
- Vả đẹp với không đẹp thì làm gì?
Oanh cười:
- Phải không anh, đẹp với không đẹp thì cần gì! Chỉ cốt biết làm cá kho tương cho thật ngon như em là được rồi. Với lại điều đó quan hệ đến thầy hơn là đến anh em mình.
Cảnh cau mày:
- Vậy em vẫn tin chắc rằng thầy lấy cô Hảo ư?
Và chàng buông bát đứng dậy.
- Mời anh xơi cơm.
- Anh đủ.
- Anh vội lên xem lại thư chị phải không?
- Có thế.
Cảnh lên gác, đứng trên cầu thang nói xuống:
- Em bảo nó mang cà phê lên cho anh nhé!
- Vâng, tí nữa em mang cà phê và bánh ngọt lên phòng anh.
Câu hỏi của Oanh khiến chàng quyết định đọc nốt bức thư còn bỏ dở nhưng khi thấy thư kéo dài mãi một giọng như trên, toàn những lời đo đắn, dò xét, chàng chán nản khó chịu, lại bỏ dở một lần nữa, để ngồi hút thuốc lá thơm, nhìn trần, mơ mộng.