Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

Ngày xưa trị vì cõi đất Âu-lạc có một ông vua tên là An Dương Vương. Vua có một nàng công chúa tên là Mỵ Châu. Mỵ Châu rất xinh đẹp và ngày ấy đã đến tuổi yêu đương. Vua chỉ có một mình nàng là con gái nên rất yêu thương chiều chuộng.

Vua An Dương Vương lại là người chăm lo việc triều chính. Từ khi bờ cõi mở rộng, vua nghĩ đến việc kinh doanh và phòng thủ đất nước, -"Phải có một tòa thành kiên cố thì mới giữ được giang sơn xã tắc lâu dài".

Nghĩ vậy, vua sai người đi chọn đất đặt kinh đô và ra lệnh cho đinh tráng cả nước phải lần lượt về phục dịch việc xây thành. Nhưng điều làm cho mọi người ngạc nhiên là thành hễ xây lên cao quá đầu người, thì chỉ trong một đêm tự nhiên đổ sụp. Xây đi xây lại đã mươi bận, lớp dân phu này về có lớp khác đến, ấy thế mà thành vẫn không xong.

Chắc là do trời làm, vua nghe lời các quan, bèn sai lập đàn rồi tự mình trai giới cầu cúng. Sau mấy ngày đêm, một buổi sáng bỗng thấy một cụ già từ biển đi vào báo cho vua biết là sẽ có thần Kim Quy là sứ giả của thần Thanh Giang đến giúp vua xây thành. Quả nhiên sáng hôm sau trong khi mọi người chầu chực ở Cửa Đông thì trên mặt nước, thần bỗng xuất hiện dưới dạng mạo của một con rùa vàng to lớn rực rỡ. Đặt chân lên đất, rùa liền tự xưng là sứ giả Thanh Giang. Thị vệ đã chực sẵn bèn đem đến một mâm vàng cho rùa trèo lên. Gặp vua, thần Kim Quy cho biết:

- Thành sở dĩ xây lên đổ xuống là vì có nhiều yêu quái phá phách. Chúng nó biến hóa thiên hình vạng trạng. Thấy nhà vua có lòng thành, tôi sẽ vì nhà vua tìm cách diệt trừ.

Chẳng bao lâu nhờ phép thần thông của thần Kim Quy, yêu quái bị tiêu diệt không còn một mống. Thần còn ngày đêm bảo cách cho nhà vua xây thành. Để bảo vệ hoàng cung, thành được đắp nhiều lớp vòng quanh theo lối trôn ốc chưa đâu có. Vì thế người ta gọi là Loa thành (thành ốc). Kẻ địch dù có vượt qua cửa thành này cũng phải trả giá đắt nếu muốn lọt vào tận cung vua. Chỉ trong vòng nửa tháng, tòa thành đồ sộ xây xong. Vua An Dương Vương mừng rỡ, đãi thần rất mực cung kính. Trước khi thần từ biệt ra về, vua nói:

- Cảm tạ thần linh đã giúp cho việc diệt trừ yêu quái, xây xong tòa thành vững vàng này. Dân Âu-lạc đời đời không dám quên ơn. Nhưng một mai nếu có giắc ngoài đến vây đánh thì lấy gì mà chống?

Thần Kim Quy bèn rút một cái vuốt của mình trao cho vua và nói:

- Ta biếu nhà vua cái này, dùng nó làm lẫy nỏ thì không còn lo gì nữa.

Thấy vua vẫn còn tỏ vẻ lưu luyến, thần lại dặn tiếp:

- Nếu một mai có việc gì cần, thì cứ gọi "Sứ giả Thanh Giang" ba lần, ta sẽ đến giúp!

Nói đoạn, thần đi thẳng xuống biển. Vua An Dương Vương đưa vuốt cho viên tướng Cao Lỗ, bảo làm lẫy nỏ như lời dặn của thần. Nỏ làm xong, mỗi một phát bắn hàng ngàn mũi tên tua tủa bay vút ra, kẻ địch dù đông cũng khó lòng sống sót.

Hồi bấy giờ, ở phía Bắc Âu-lạc có nước Nam-việt của Triệu Đà là một nước cường thịnh. Cậy có đất rộng, dân đông, lại thiện chiến, Triệu Đà mấy lần kéo quân sang đánh, nhưng mỗi lần vượt cõi là một lần chuốc lấy thất bại. Bên này An Dương Vương sai đem nỏ thần ra bắn. Mỗi phát bắn ra, tên bay rào rào, quân Nam-việt chết như rạ. Thấy nhiều phen bị thiệt hại nặng nề, Triệu Đà đành phải gác chuyện can qua. Tuy vậy hắn vẫn còn căm tức, ngày đêm trù mưu tính kế để chiếm cho được Âu-lạc mới thỏa dạ.

Nghe nói vua An Dương Vương có cô con gái chưa chồng, Triệu Đà mượn cớ giảng hòa, cho sứ giả sang cầu hôn Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy. Mục đích đích của hắn không phải là thắt chặt tình giao hiếu giữa hai nước mà để dò xét tình hình Au-lạc. Thấy địch muốn chuyện cầu thân, đổi bụng hằn thù ra đường tình nghĩa, An Dương Vương vui lòng nhận lời. Cuộc hôn nhân không mấy chốc đã thành. Theo phong tục, chàng rể phải sang ở nhà bố vợ một thời gian, gọi là ở gửi rể. Hôm động phòng, tai tài gái sắc gặp nhau, tình cảm mặn nồng không nói hết.

Lấy được Mỵ Châu rồi, Trọng Thủy lân la hỏi vợ về nội tình Âu-lạc như lời bố mình dặn dò trước lúc đi làm rể. Chàng tỉ tê gạn vợ:

- Tại sao dân Âu-Lạc không đông, nhưng mỗi lần ra quân đều thu được thắng lợi?

Mỵ Châu trước chỉ mỉm cười không đáp. Nhưng ngày một ngày hai, thấy chồng thật lòng yêu thương, và nghĩ hai nước đã trở nên một nhà, nên nàng không còn nghi ngờ gì. Dần dần nàng cho chồng biết nào là việc yêu quái phá thành, việc cầu được thần Kim Quy diệt trừ yêu quái, nào việc thần dạy cho cách xây thành, việc tặng cho vuốt thần để làm lẫy nỏ, v.v... Trong cơn say đắm, Mỵ Châu không tiếc gì cả. Nàng còn giấu cha mình dẫn chồng đến xem trộm nỏ thần ở một ngôi đền cấm cạnh cung vua. Nhân vợ không để ý, Trọng Thủy bèn lấy trộm nỏ thần thật mà đánh tráo vào một lẫy nỏ giả.

Sau đó mấy hôm, Trọng Thủy nói dối với vợ và bố vợ rằng mình xa cha ngái mẹ đã lâu, nên xin phép được về thăm cho thỏa lòng mong nhớ, rồi ít lâu sau lại xin trở lại. Cả vợ chàng và An Dương Vương đều bằng lòng.

Lúc từ biệt vợ, Trọng Thủy tỉ tê:

- Chuyến đi này tôi nhớ nàng khôn xiết. Trong khi tôi về bên ấy, ngộ nhỡ hai nước lại có chuyện bất hòa, Nam bắc cách biệt, tôi muốn đi tìm nàng thì biết làm thế nào để gặp được nhau?

Mỵ Châu đáp:

- Thiếp có cái áo lông ngỗng, lông nó sáng rực khác thường, thiếp sẽ mặc vào người, đi đến đâu rứt lông rắc dọc đường. Chàng cứ theo dấu ấy mà tìm gặp.

Lại nói chuyện Triệu Đà vừa nắm được lẫy nỏ thần vào tay, lập tức hạ lệnh kéo quân xâm lăng Âu-lạc. Nghe tin biên giới báo về gấp, vua An Dương Vương cười ha hả mà rằng:

- Giặc Đà hết sợ nỏ thần của ta rồi hay sao?

Nói rồi vẫn một mực coi thường không lo lắng gì cả. Cho đến khi quân địch đã đến sát chân thành, vua mới sai đem nỏ thần ra bắn, thì ôi thôi lẫy nỏ đã bị đánh tráo, không còn mầu nhiệm như trước nữa.

Thấy quân địch ào ào xông tới vây thành như kiến cỏ, vua An Dương Vương vội vã nhảy lên mình ngựa, bảo Mỵ Châu ngồi sau lưng, rồi nhân tối trời thoát ra khỏi thành cho phi một mạch về hướng Nam.

Trong khi quân Nam-việt chưa biết vua An Dương Vương chạy về hướng nào để mà đuổi thì Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ, bèn thúc ngựa đuổi theo sát nút. Phía trước, con ngựa chở cha con An Dương Vương cứ theo dọc bờ biển phi miết, luôn mấy đêm ngày. Một buổi sớm, ngựa đến sát dưới chân một hòn núi, cung quanh là làng xóm đông đúc. Vua hỏi một bô lão bên đường:

- Núi này là núi nào?

Bô lão đáp:

- Tâu bệ hạ, đây là núi Mộ-dạ, đã sắp đến vùng Nam-giới.

Thấy đã tới lúc cùng đường, vua sực nhớ tới lời dặn của thần Kim Quy, bèn ngửa cổ kêu lên mấy lần:

- Hỡi sứ giả Thanh Giang, mau mau trừ giặc giúp ta!

Bỗng nhiên từ biển cả, thần Kim Quy hiện kên sừng sững khỏi mặt nước, nói to:

- Người ở sau lưng nhà vua chính là giặc đó!

Vua An Dương Vương quay lại nhìn không thấy ai chỉ thấy Mỵ Châu, liền hiểu ra nông nỗi. Cơn giận bốc lên dữ dội, vua bèn tuốt kiếm chém chết con gái yêu. Đoạn vua tìm lại thần Kim Quy thì thấy thần đang rẽ nước cho mình đi xuống biển cả.

Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng đến núi Mô-dạ thì chỉ còn thấy xác Mỵ Châu. Vừa thương vợ, vừa hối hận về việc mình làm, Trọng Thủy bèn ôm xác vợ than khóc hồi lâu, rồi cũng nhảy xuống một cái giếng tự tử.

Người ta nói máu Mỵ Châu chảy xuống nước, những con trai con hến ăn vào đều hóa thành ngọc. Ai bắt được ngọc ấy đem đến rửa ở giếng Trọng Thủy trẫm mình thì sắc ngọc tự nhiên rực lên[1].

KHẢO DỊ

Về tình tiết vua An Dương Vương trừ yêu quái phá thành, Lĩnh-nam chích quái chép như sau:

"Vua ra cửa đông chờ đợi, chợt thấy một con rùa vàng từ phương Đông lại, nổi lên mặt nước nói sõi tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ mọi việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói: -" Điều đó chính cụ già đã báo cho ta biết trước". Bèn rước vào trong thành ngồi trên điện, hỏi vì sao xây thành không được. Rùa vàng đáp: -"Cái tĩnh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước, lại có con gà trống trắng sống ngàn năm hóa thành yêu tinh ẩn ở núi thất diệu. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều đại trước chôn ở đấy. Ở bên cạnh có một quán trọ cho khách vãng lai, chủ quán trọ tên là Ngộ Không. Ngộ Không có một người con gái. Lại có một con gà vốn là dư khí của quỷ tinh, phàm có khách qua đường nghỉ chân ở quán, quỷ tinh biến hóa thành muôn hình vạn trạng để làm hại. Vì thế người chết rất nhiều. Nay con gà trống trắng lại lấy con gái chủ quán. Nếu giết được con gà trống thì trấn áp được quỷ tinh. Quỷ tinh sẽ tụ âm khí thành yêu, hóa ra chim cú ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn tâu cùng thượng đế xin phá thành. Thần sẽ xin bắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, thành sẽ xây được".

Rùa vàng bèn bảo nhà vua giả làm kẻ hành nhân nghỉ trọ ở quán, đặt rùa ở phía trên khung cửi. Thấy có khách tới, Ngộ Không bảo: -"Quán này có yêu quái, đêm thường giết người. Hôm nay trời chưa tối, xin ngài đi mau, chớ nghỉ lại đây". Vua cười, nói: -"Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì được, ta không sợ". Bèn cứ nghỉ lại. Đến đêm quỷ ở ngoài vào, thét lớn: -"Kẻ nào sao chẳng mau mau mở cửa ra". Rùa vàng thét: -"Cứ đóng cửa thì mày làm gì?". Quỷ bèn biến hóa trăm hình vạng trạng, muôn kế nghìn phương để hòng dọa nạt, sau cùng cũng chẳng dọa nổi vua. Đến lúc gà gáy sáng, quỷ tinh chạy tản, Rùa vàng cùng vua đuổi theo. Tới núi Thất-diệu, quỷ tinh thu hình biến mất. Vua bèn quay về quán. Sáng hôm sau, chủ quán sai người đến định liệm xác khách trọ để chôn. Thấy vua vẫn cười nói hớn hở, họ bèn cùng chạy tới lạy vua mà nói rằng: -"Ngài được thế, tất là thánh nhân. Vậy xin ban thuốc thần để cứu sinh dân". Vua bảo: -"Nhà ngươi giết con gà trắng để tế thần quỷ tinh sẽ tan hết’. Ngộ Không y lời đem gà trắng ra giết, người con gái lập tức quay ra chết.

Vua bèn sai đào ở núi Thất-diệu lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt. Mới đốt tán thành tro, đem đổ xuống dòng sông. Trời gần tối, vua và rùa vàng lên đến núi Việt-thường, thấy quỷ tinh đã biến thành chim cú sáu chân, ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Rùa vàng liền biến thành một con chuột đen theo sau, cắn vào chân cú, lá thư rơi xuống đất. Vua vội nhặt lá thư đã bị nhấm rách quá nửa. Từ đó quỷ tinh bị diệt. Thành xây nửa tháng thì xong"[2].

Chúng tôi cho rằng đây là một truyện thần kỳ có thể khá lý thú, nhưng người chép ban đầu có lẽ không nắm được đầy đủ nội dung, bỏ sót tình tiết, hoặc giả sửa chữa đôi nét nào đó của truyện, vì vậy, rất tiếc là sự phát triển của câu chuyện có chỗ khó hiểu không được lô-gic.

Tạm lý giải câu chuyện trên như sau:

Nghe tin thần Kim Quy sẽ đến giúp, từ sáng vua An Dương Vương đã ra cửa đông đón. Chợt từ biển Đông tiến vào một con rùa vàng. Vào đến nơi, rùa tự xưng: -"Ta là thần Kim Quy, là Sứ Thanh Giang!". Vua mừng rỡ đón về cung, hỏi: -"Xin cho biết vì hầu xây lên lại đổ?" thần đáp: -"Đó là do âm hồn của một hoàng tử cốt báo thù việc nhà vua đã gôm thâu nước của y. Hoàng tử đã nhờ một con yêu tinh tên là Bạch Hùng Kê sống ngàn năm thành tinh, dùng núi Việt-thường làm sào huyệt. Nó thường hóa thành chim cú sáu chân, miệng ngậm một đạo bùa, đạo bùa này có liên quan đến sinh mệnh của nó. Đạo bùa này mà vào tay ai thì nó sẽ chết ngay. Để giúp hoàng tử, nó bay lên cây chiên đàn cao tận trời gọi hung thần về làm đổ thành. Nó còn hay đi lại núi Thất-diệu. Ở đây có con quỷ vốn là âm hồn một nhạc công thường biến hóa nhiều cách để làm hại khách qua lại. Yêu tinh và quỷ đã từng hãm hại rất nhiều người. Gần núi Thất-diệu lại có một cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không. Ngộ Không tối tối thường không ở lại quán mà về nhà ở làng. Ngộ Không có một người con gái và một con gà trống trắng. Con gà này chính là một vía của Bạch Hùng Kê. Nó đã lén lút bắt cô gái làm vợ. Nếu giết được nó thì Bạch Hùng Kê sẽ yếu đi. Bấy giờ tôi sẽ tìm cách làm cho Bạch Hùng Kê phải nhả đạo bùa. Nhà vua phải nhặt lấy, phá tan đạo bùa thì nó sẽ chết, Bạch Hùng Kê mà chết thì thành sẽ xây xong".

Nói đoạn, thần Kim Quy khuyên vua cải trang thành một khách bộ hành đến xin trọ ở quán Ngộ Không. Thần cùng đi với vua. Đến nơi thần giấu mình ở phía trên khung cửi. Thấy vua xin trọ, Ngộ Không nói: -"Quan này có quỷ, đêm thường hại người. Bây giờ hãy còn sớm, quý khách nên tìm trọ nơi khác, đừng nghỉ lại đây". Vua cười đáp: -"Sống chết có số. Nếu số ta chưa đến lúc chết thì ta sợ gì ma quỷ". Bèn cứ ở lại đóng chặt cửa. Đêm ấy vua nghe tiếng quỷ gọi cửa ầm ầm. Vua vẫn im lặng xem quỷ làm gì. Không vào được, quỷ liền hóa hết phép này đến phép khác, nhưng vì có thần Kim Quy, cuối cùng vẫn không vào được. Cho đến gà gáy, quỷ đành rút lui. Thần Kim Quy cùng vua đuổi theo. Tới núi Thất-diệu chỗ có một cái gò, quỷ liền biến mất.

Sau đó vua trở lại quán của Ngộ Không. Sáng ngày ra, Ngộ không dẫn người nhà đến quán định để chôn xác người khách trọ hôm qua, nhưng y ngạc nhiên khi thấy vua còn sống, bèn sụp lạy và nói: -"Ngài hẳn là một vị Thánh. Xin ngài làm ơn ban cho phép thần để cứu sinh dân". Vua bảo: -"Ngươi hãy về giết con gà trắng để làm lễ cúng thần, quỷ sẽ hết". Ngộ Không nghe lời, về bắt gà giết. Gà chết đứa con gái của Ngộ Không cũng chết theo. Vua ra lệnh cho đào chỗ gò ở núi Thất-diệu, tìm được các nhạc khí và xương cốt, bèn cho đốt thành tro đổ xuống sông.

Chập tối hôm ấy, vua cùng thần Kim Quy lên núi Việt-thường. Lúc bày yêu tinh đã biến thành chim cú sáu chân đang ngậm đạo bùa bay lên cây chiên đàn. Thần Kim Quy lập tức biến thành con chuột đen bò ngay lên cây, thoắt chốc đã đuổi kịp cắn vào chân chim cú đang đậu ở cành. Cú đau quá há miệng đánh rơi đạo bùa xuống đất. Vua đã chờ sẵn, nhặt lấy hủy ngay, yêu tinh liền bị diệt.

Từ đó yêu quái trong vùng trừ xong, vua xây được thành[3].

Ngày ấy ở làng Nhội xuất hiện một bầy yêu quái, cầm đầu là một con gà trắng hai mỏ (Bạch Kê) quấy nhiễu dân lành, làm cho mọi người vô cùng đau khổ. Làng Nhội vì thế trở nên xơ xác, người ta gọi là làng Ma-lôi. Khi vua An Dương Vương xây thành thì yêu quái đêm đến biến thành một bầy lợn dữ dùng nang dũi đổ thành. Thấy thành xây mãi không xong, các nàng tiên thương hại, một đêm nọ đem quang sọt xuống đắp giúp. Sau khi đào đất chất đầy sọt, các nàng gánh tới định xây thành, nhưng Bạch Kê đã giả cất tiếng gáy. Nghe tiếng gà gáy các nàng tưởng là đã đến lúc phải về trời nên đổ vội đất dọc đường để về. thế là việc giúp không xong. Ngày nay, chỗ các nàng tiên đào đất người ta gọi là Ngã ba Xà, đất đổ thành gò đống, nay là đống Nấm, đống Mẹo, đống Vẹo... và làng có tên là làng Tiên-hội.

Yêu quái từ đấy đắc chí phá phách mãi không thôi. Vua An Dương Vương lo sợ, bèn lập đàn cầu. Tự nhiên một hôm có một nhà đạo sĩ chống gậy đến gặp vua xin chỉ mình trừ yêu. Vua tiếp đón rất trọng thể. Tay cầm gậy, tay cầm kiếm, đạo sĩ thọc kiếm vào gò cuối cùng kéo ra cái đầu của Bạch Kê đưa cho vua và bảo: -"Thế là trừ xong, Bệ hạ cứ bêu cái đầu này lên, yêu quái sợ sẽ tránh xa". Vua lưu luyến hỏi: -"Xin người cho biết người từ đâu tới, nay về đâu?’. Chỉ tay lên núi Thất-diệu, đạo sĩ nói: -"Ta tu luyện trên núi kia, cảm lòng thành của vua, đến giúp trừ yêu diệt quái để xây cho xong thành. Nay mọi việc đã xong, ta trở về". Nói rồi đạo sĩ về núi sau khi tặng vua cây gậy hình lông chim và nói: -"Đó là lông chim thần của thầy ta cho, nó có phép chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan, chỉ ngàn ngàn cháy". Khi vua An Dương Vương xây xong thành, liền lên núi lập đền thờ, phong là Trấn Thiên Huyền Võ Thiên Chân[4].

Trung quốc có chuyện Rùa giúp Trương Nghi xây thành:

Tần Huệ Vương muốn đánh xứ Thục mà không biết đường, bèn làm năm con trâu đá, lấy vàng dắt ở đuôi, phao tin là trâu đá ỉa ra vàng. Vua Thục nghe tin, lòng tham nổi lên, sai trai tráng tìm cách đem con trâu ấy về. Do đó họ san núi lấp khe làm thành lối đi. Vua Tần sai Trương Nghi và Tư Mã Thác cứ theo con đường sẵn ấy, kéo quân vào đánh nước Thục. Vì thế con đường ấy có tên là đường Thạch-ngưu (trâu đá).

Sau khi diệt được nước Thục, Trương Nghi cho xây ở đây một cái thành, nhưng thành hồ xây lên lại đổ. Sau đó từ chân hồ bỗng xuất hiện một con rùa lớn ra đi cho nganh quẩn. Trương Nghi bèn cho người noi theo dấu chân của rùa mà xây thành. Nhờ vậy mà thành xây xong. Vì thế thành có tên là Quy thành (thành rùa)[5].

Sự tích thần Bạch Mã đại vương thờ ở phường Hà-khẩu, Thăng-long, cũng có mô-típ tương tự. Khi nhà Lý xây dựng thành Đại-la của Cao Biền, đắp mãi không xong. Bỗng một con ngựa trắng từ trong đền xuất hiện rồi chạy theo hướng của nó một vòng, dấu chân in sâu xuống đất, cuối cùng lại chạy vào đền biến mất. Quan quân theo dấu đắp mà thành công[6].

Về chỗ lấy vuốt (hay móng) rùa làm lẫy nỏ và sự phản bội đất nước của Mỵ Châu, sách Việt kiều thư chép như sau:

Xưa, vùng các động người Man ở Nam-việt thời nhà Tần nổi tiếng có sức mạnh. Về phép dùng nỏ thì họ rất giỏi: mỗi một phát tên bằng đồng của họ bắn ra xuyên qua hơn 10 người. Vua Nam-việt là Triệu Đà sợ. Hồi ấy vua Man có người con gái tên là Lan Châu xinh đẹp, lại giỏi nghề làm nỏ. Triệu Đà bèn kết hiếu với vua Man, cho con trai mình sang làm rể, lấy Lan Châu làm vợ. Sau ba năm làm rể, người con Triệu Đà học được phép làm nỏ. Lúc trở về, Triệu Đà bèn cử binh đánh bắt được vua Man.

Một truyện khác của Việt-nam tình tiết cũng y hệt như truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, nhưng ở đây nhân vật chính lại là Cáo nương và Nhã lang:

Triệu Quang Phục ở trong đầm lầy nhiều năm cầm cự với tướng nhà Lương. Trước tình thế khó khăn, Triệu bày đàn đốt hương cầu đảo. Bấy giờ mới có tiên Chử Đồng Tử cưỡi rồng đi qua, tiên bèn nhổ một cái móng rồng trao cho, bảo gắn lên trên mũ dâu mâu. Nhờ vậy trận náo Triệu cũng thắng lợi. Sau khi đuổi được quân Lương về bắc, Triệu làm vua ở thành Long-biên. Bấy giờ có Lý Phật Tử nối nghiệp nhà Lý, đem quân năm lần đánh nhau với quân Triệu. Biết Triệu có phép lạ, không thể thắng được, Lý bèn giải hòa, hai bên chia địa giới ở bãi Quân-thần. Lý lại cho con trai là Nhã Lang lấy con gái Triệu là Cảo nương. Trong thời kỳ ở rể, Nhã Lang bảo vợ: -"Cha nàng có thuật gì đánh lui được quân cha ta?" Cảo Nương cả tin, cũng như Mỵ Châu, bèn lấy trộm mũ đầu mâu có móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang bèn trộm móng rồng, rồi cũng xin phép trở về thăm bố mẹ. Được móng rồng, Lý Phật Tử đem quân đánh úp Triệu, Triệu thua, đưa con gái đi trốn và cùng nhảy xuống biển chết[7].

Thần thoại Hy-lạp (Grèce) có câu chuyện tương tự với các truyện trên:

Ni-xốt vua nước Mê-ga-rơ chống nhau với Mi-nốt vua xứ Cờ-rét. Con gái Ni-xốt là Xy-la lại là người yêu của Mi-nốt. Nhân lúc bố mình ngủ say, nàng bèn nhổ sợi tóc đặc biệt của bố (sợi tóc này màu đỏ mang sinh mệnh của Ni-xốt cũng như của cả nước Mê-ga-rơ). Nhưng Mi-nốt lại không nhận lễ vật (sợi tóc) của Xy-la mà đốc quân vây thành. Chiếm được thành, Mi-nốt ném Xy-la xuống biển. Thất vọng, nàng bơi theo tàu của cha bấy giờ đang trên đường đi trốn. Về sau, nàng hóa thành con cò, còn Ni-xốt hóa thành quạ biển. Quạ biển về sau thường đuổi theo cò, mổ vào đầu có để trị tội phản bội.

Prơ-di-luýt-xki (przyluski) trong Nàng công chúa tanh mùi cá và con rắn thần trong các truyền thuyết ở Đông Á có ý xếp khá nhiều truyện cổ ở phương Đông, trong đó có truyện hoàng hậu vua của nước Phù-nam là một con rắn (nơ-gi) lấy Kôn-đi-ni-a, một người khách lạ được thần cho một cây cung kỳ diệu, nhờ đó chiếm được tình yêu của hoàng hậu và trở thành vua nước Phu-nam, coi như là một dị bản của truyện Mỵ Châu -Trọng Thủy.[8]

Về mô-típ dùng quan hệ hôn nhân để ăn cắp nỏ thần, người Thái còn có truyền thuyết: Lạng Chương đánh Mường Muỗi.

Lạng Chương mấy lần cho quân đánh chiếm Mường Muỗi, nhưng đều bị Ăm Poi, tù trưởng người Xá đánh bại. Bèn xin làm rể kẻ địch, lấy con gái Ăm Poi là Pha Nhắng. Và trong bữa tiệc cưới, Lạng Chương nói với bố vợ: -"Nay hai bên hòa hiếu, việc gì phải cầm giáo mác cung nỏ nữa cho nó kém vui. Xin đặt cả lên giá". Rồi y cho quân mình thực hành trước. Bên Ăm Poi cả tin làm theo. Không ngờ giá ấy có dây dòng lên xà nhà. Thình lình giữa bữa tiệc, giá được kéo lên cao. Bị tước mất vũ khí, Ăm Poi liền bị bắt sống và sau đó bị giết[9]. Xem thêm ở Khảo dị truyện số 62, tập II Hai ông tướng Đá Rãi.


[1] Theo Vũ Tường Khanh, Truyện cổ Việt-nam.

[2] Theo Lĩnh nam chích quái

[3] Phần nào có dựa theo Toan Anh. Nếp cũ, hội hè đình đám, quyển Thượng.

[4] Theo Vùng ven sông Nhị, tập I, Nhà xuất bản Hà-nội, 1979.

[5] Theo Thủy kinh chú.

[6] Theo Bạch Mã đại vương thượng tự kinh lục bảo tập. Truyện trên có lẽ cũng bắt nguồn từ một câu chuyện của Trung-quốc tương tự, nói về việc xây một phần của Vạn-lý trường thành.

[7] Theo Đông thanh tạp chí (1932).

[8] Nghiên cứu của châu Á, EFEO, t.II (1925).

[9] Theo Cấm Trọng, Cấm Quỳnh: Quắm tổ mướn.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá